Nói về các hình thức xử lý sai phạm thì dân gian Việt Nam có những câu như “giơ cao đánh khẽ” hay “đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại” để thể hiện tinh thần vị tha, bao dung. Đã là con người thì ai rồi cũng sẽ sai. Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó, nhất là đối với văn nghệ sĩ - người của công chúng – cần lắm một thái độ nghiêm khắc của xã hội.
Chưa bao giờ mà lời ăn tiếng nói hay cách hành xử của giới nghệ sĩ được chú ý nhiều như lúc này. Có thể sau nhiều vụ việc không được hay ho như đánh bạc, dùng ma túy hay những phát ngôn thiếu chuẩn mực… thì người ta chợt nhận ra rằng lâu nay xã hội chỉ nhìn giới nghệ sĩ qua lời ca tiếng hát hay vở diễn của họ mà vô tình (hay không để ý) bỏ qua những hành động không đúng mực của họ. Dù ít hay nhiều, dù muốn hay không thì bộ phận không nhỏ khán giả, nhất là khán giả nhỏ tuổi, rất dễ bắt chước hình ảnh nghệ sĩ là thần tượng của mình nhất là trong thời đại công nghệ số như hiện nay. Cho nên thần tượng ấy phải đẹp. Mà muốn thần tượng đẹp đúng nghĩa cần có những biện pháp mạnh tay cho những lỗi lầm, cho đúng với câu: "Ai sai thì chịu phạt, có lỗi phải chịu trách nhiệm".
Một từ khá phổ biến gần đây trên mạng xã hội là “phong sát” hiểu nôm na là cấm sóng, cấm xuất hiện tại các sự kiện đối với các nghệ sĩ có tai tiếng bị xã hội lên án. Đây được xem là hình thức xử lý đầy sức nặng và nghiêm khắc đối với những sai phạm trong giới nghệ sĩ. Một khi khán giả quay lưng là dấu chấm hết cho sự nghiệp. Đó khác hẳn với kiểu “rút kinh nghiệm sâu sắc” nhưng rồi sợi dây kinh nghiệm rút hoài không thấy hết. Để tránh việc “ngựa quen đường cũ” hay kiểu “coi thường khán giả” thì “phong sát” được xem là biện pháp hữu hiệu và đủ mạnh đối với những ai đã trót sai lầm.
Nhưng liệu 2 cái tên Hồng Đăng và Phương Oanh có đáng bị “phong sát” sau những lùm xùm thời gian qua hay không?
Gọi là có đáng hay không đáng thì tùy vào góc nhìn của mỗi người. Đương nhiên, với tư cách là nghệ sĩ thì việc làm của Hồng Đăng và Phương Oanh rất khó được chấp nhận. Nhưng phải chăng bởi vì họ là người đóng phim VTV nên bị soi kỹ hơn? Nếu họ ở nhà đài khác hay một lĩnh vực khác thì sao? Có thể mọi chuyện vẫn bị chú ý nhưng mức độ có lẽ không tạo nên cơn bão dư luận như vậy.
Tất nhiên, yếu tố VTV không thể bị loại bỏ bởi mọi cá nhân, trước khi nói, làm và hành động gì cần ý thức mình đang làm gì, ở đâu và giữ vai trò gì. Cho nên, một khi sai phạm ấy làm ảnh hưởng đến bộ mặt của VTV hay quốc gia thì cần phải xử lý mạnh tay. Nhưng mạnh tay đến mức nào còn tùy vào nhiều yếu tố. Tội thì có tội nặng tội nhẹ. Người có người hối lỗi thành thật, có người đóng kịch giả tạo lừa đời.
Một sự việc đúng sai, ngoài cách nhìn của xã hội, thuần phong mỹ tục còn liên quan đến vấn đề pháp luật. Nếu sai phạm ấy bị lên án bởi vi phạm vào những điều như tình người, truyền thống… mà chưa được pháp luật chứng thực là vi phạm thì phải chăng những người trong cuộc xứng đáng nhận được một cơ hội để nói, để trình bày và thứ tha của xã hội trong một tương lai nào đó.
Vâng, một tương lai nào đó chứ không phải bây giờ. Khán giả ngày nay dần hình thành quan điểm yêu ghét rõ ràng chứ không đơn thuần đặt yếu tố nghệ thuật lên hàng đầu rồi bỏ qua những điều khác. Cho nên nếu một ca sĩ A nào đó, trước đấy cuồng ngôn loạn ngữ coi thường thiên hạ sau nhận mình sai rồi chọn cách “ở ẩn” khoảng 6 tháng nửa năm rồi lại tái xuất rầm rộ thì coi thường khán giả quá. Khi ấy nếu dính phải “phong sát” thì cũng oan ức gì. Trái lại nếu một ai đó không vướng vào vấn đề pháp luật, dũng cảm nhận sai trước công chúng và biết sống khép lại một cách cần thiết biết đâu mọi chuyện sẽ có biến chuyển.
Giơ cao đánh khẽ có thể khiến kẻ bị sai không nhận ra được đâu là điều tốt đẹp. Nhưng vội vàng “phong sát” cũng chẳng phải cách hay bởi ai mà chẳng sai nên cần lắm một con đường để quay về.
Độc giả Hoàng Thông
Độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: [email protected]. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!