Xử phạt với hành vi nghiên cứu khoa học và công bố thông tin trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ảnh minh họa: Internet

Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) vừa lấy ý kiến vào Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo nhằm hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Theo tin từ Cổng thông tin Bộ TN&MT, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về xử phạt hành chính hiện hành vẫn chưa quy định hành vi vi phạm trong việc cấp phép nghiên cứu khoa học của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam; quy định về nhận chìm ở biển; quy định về giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; các quy định về hành lang bảo vệ bờ biển.

Trong thực tiễn áp dụng các chế tài hành chính cho thấy chưa có sự thống nhất giữa các quy định của các văn bản về xử phạt vi phạm hành chính và việc áp dụng các quy định đó vào trong quá trình thực thi pháp luật trên các vùng biển về hiệu lực của văn bản, về thẩm quyền xử lý vi phạm, mức phạt tiền cao thấp khác nhau đối với các hành vi vi phạm hành chính trong cùng một lĩnh vực, gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật trên biển và khó khăn trong tìm hiểu, nghiên cứu và chấp hành của người dân.

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, hệ thống văn bản pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường biển còn thiếu; chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Thêm vào đó, công tác quản lý hoạt động vận tải biển, khai thác khoáng sản, khai thác cảng biển, hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản thiếu chặt chẽ khiến các đối tượng chạy theo lợi ích kinh tế, cố tình vi phạm như: không đầu tư xử lý chất thải mà xả trực tiếp ra biển gây ô nhiễm môi trường biển; trong hoạt động đánh bắt hải sản,... hay những hành vi gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng và gây hậu quả rất lớn, đặc biệt là các hành vi không đảm bảo an toàn hàng hải gây ra các vụ tai nạn do va quệt, đâm va của các tàu vận tải dầu, các hóa chất độc hại khác hay sự thải bỏ, nhận chìm chất thải không đúng quy định...

Để tăng cường công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo thì việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định các hành vi, hình thức và mức xử phạt chi tiết đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Dự thảo Nghị định mới gồm 4 chương với 22 điều có quy định rõ về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Cụ thể, Dự thảo nêu rõ quy định về: Vi phạm quy định về nghiên cứu khoa học của cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam; Vi phạm quy định về nhận chìm ở biển; vi phạm quy định về giao khu vực biển nhất định để khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hành lang bảo vệ bờ biển.

Về vi phạm các quy định cấp phép cho cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, bao gồm: Nhóm hành vi vi phạm quy định của Quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học; Nhóm hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam; Nhóm hành vi vi phạm quy định về công bố và chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học. Với mức phạt cao nhất 1.000.000.000 đồng và thấp nhất là 15.000.000 đồng và có thể áp dụng các hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm; Đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam hoặc trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm. Ngoài ra phải thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định.

Về vi phạm quy định về nhận chìm ở biển, các hành vi vi phạm như: Nhóm hành vi vi phạm nội dung trong Giấy phép nhận chìm ở biển; Nhóm hành vi vi phạm các quy định khác trong hoạt động nhận chìm ở biển; Nhóm hành vi vi phạm về thực hiện nhận chìm ở biển khi không có Giấy phép nhận chìm. Với mức phạt cao nhất 1.000.000.000 đồng và thấp nhất là 5.000.000 đồng và có thể áp dụng các hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm; Đình chỉ hoạt động hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép nhận chìm ở biển. Ngoài ra phải thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định.

Về vi phạm quy định về giao khu vực biển nhất định để khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hành lang bảo vệ bờ biển, các hành vi vi phạm chủ yếu như sau: Nhóm vi phạm các quy định của Quyết định giao khu vực biển; Nhóm hành vi sử dụng khu vực biển khi không có quyết định giao khu vực biển; Nhóm vi phạm các quy định về hành lang bảo vệ bờ biển. Với mức phạt cao nhất 1.000.000.000 đồng và thấp nhất là 5.000.000 đồng và có thể áp dụng các hình phạt bổ sung: Thu hồi khu vực biển. Ngoài ra phải thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định.

Về thẩm quyền thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Nghị định quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Công an nhân dân, Thanh tra chuyên ngành và của các lực lượng khác; phân định rõ thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm.