Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên cả nước là khoảng 60.000 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị chiếm 60%. Tuy nhiên con số đáng chú ý hơn cả là tỷ lệ thu gom và tỷ lệ xử lý loại chất thải này vẫn chưa đạt tỷ lệ cao.

Tại Diễn đàn Môi trường năm 2023, với chủ đề “Giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên” do Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tổ chức đầu tháng 6 năm 2023, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay có trên 70% lượng chất thải được xử lý bằng phương thức chôn lấp và chỉ có 15% trong đó được chôn lấp hợp vệ sinh. Vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém. Đặc biệt là công nghệ chôn lấp hiện tại vẫn chưa thu gom được khí mê tan - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng khí nhà kính. Trước những thách thức này, các giải pháp phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải… nên được tăng cường áp dụng.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng trao đổi ý kiến xoay quanh vấn đề làm thế nào biến rác thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên? Các biện pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt? Vai trò của cộng đồng trong xử lý và biến chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên và những công nghệ mới có hiệu quả trong vấn để xử lý chất thải, hạn chế các sự cố môi trường do rác thải mang lại.

3 xu ly chat thai ran sinh hoat.jpg
Các giải pháp phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nên được tăng cường áp dụng.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, hiện nhân loại đang phải đối mặt với các thách thức về khủng hoảng kinh tế, cạn kiệt nguồn tài nguyên và biến đổi khí hậu. Để vượt qua các khủng hoảng này, một trong những giải pháp là phải sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, coi chất thải là như là một nguồn tài nguyên.

Trên thế giới, các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải (Reduce, Reuse, Recycle - 3R) được coi là những biện pháp hữu hiệu để hướng tới việc giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp, từ đó tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, đồng thời giảm được các nguy cơ về môi trường.

ThS. Đinh Nam Vinh, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ thì cho rằng, việc ứng dụng công nghệ xử lý CTRSH cần được xem xét, tính toán phù hợp với điều kiện đặc trưng của từng vùng miền, địa phương Việt Nam, theo xu thế công nghệ tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ rác thải.

Theo ThS. Đinh Nam Vinh Mặt khác, để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), cần phát triển các công nghệ xử lý chất thải rắn mới, thân thiện môi trường và giảm thải khí nhà kính. Xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường nói chung hay công tác quản lý chất thải rắn nói riêng là việc làm cần thiết và phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay. Việc thành công trong việc quản lý rác thải yêu cầu sự phối hợp giữa chính phủ, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, cộng đồng và công dân. Sự quyết tâm và hợp tác của cộng đồng, doanh nghiệp và chính phủ là rất quan trọng để giải quyết bài toán xử lý rác thải tại Việt Nam.

Diễn đàn Môi trường năm 2023 góp phần truyền thông chính sách tới người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức xã hội về phân loại rác đầu nguồn, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bảo vệ môi trường sống an toàn cho nhân loại.

Hoài Bắc và nhóm PV, BTV