Trước sự gia tăng về rác thải, vấn để lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn là một trong những chủ đề được các đại biểu tham dự Hội thảo “Kiểm soát chất thải rắn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức dành nhiều thời gian thảo luận.

Theo các đại biểu, hiện nay thách thức lớn nhất trong xử lý chất thải rắn là gia tăng rất lớn về khối lượng rác thải, trong đó có nguyên nhân là do sự gia tăng dân số, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng của xã hội.

anh 5.jpg
Thành phần độc hại, khó phân hủy trong rác thải xuất hiện ngày càng nhiều.

Tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy mô hình tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn đã tạo nên áp lực rất lớn cho môi trường. Chỉ tính riêng rác thải sinh hoạt, mỗi ngày có hơn 60.000 tấn rác thải được tạo ra trên khắp cả nước, trong đó, thành phần độc hại, khó phân hủy trong rác thải xuất hiện ngày càng nhiều. Trong khi đó, cách thức xử lý rác thải hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu. Nếu chôn lấp thì ảnh hưởng tới nguồn nước, còn xử lý bằng việc đốt rác thì lại ảnh hưởng đến không khí ở các khu vực lân cận. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Về hành lang pháp lý cơ bản đã hoàn thiện, đã có cơ sở để quản lý nội dung này. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai còn gặp nhiều khó khăn như nhận thức của người dân, cộng đồng trong phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế; năng lực quản lý một số cấp, ngành còn yếu; công nghệ chậm đổi mới, chưa có hướng dẫn về danh mục công nghệ xử lý, tái chế phù hợp với điều kiện Việt Nam; thiếu kinh phí, ngân sách địa phương không đủ đầu tư để triển khai thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt đồng bộ, hiệu quả...

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xử lý rác trong thời gian qua gặp khó khăn bởi suất đầu tư quá lớn, chi phí rác thải lớn trong khi đơn giá xử lý thấp; công tác quy hoạch còn chậm, chưa thực sự tối ưu.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhấn mạnh việc quản lý, xử lý chất thải rắn cần lựa chọn công nghệ phù hợp, nhà đầu tư phù hợp cho từng địa phương với địa bàn cụ thể. Sự lựa chọn công nghệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình địa phương, loại rác thải, quy mô xử lý, nguồn lực kinh tế và môi trường; không có công nghệ nào được xem là duy nhất, là tối ưu nhất.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên, công nghệ là tiêu chí quan trọng nhất để xử lý chất thải rắn hiệu quả. Tuy nhiên, không phải cứ áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại nhất của nước ngoài là phù hợp bởi đặc thù chất thải rắn chưa qua phân loại tại Việt Nam rất khác biệt. Cần tùy theo đặc thù của từng địa phương để lựa chọn công nghệ phù hợp nhằm đảm bảo tính bền vững và tạo ra hiệu quả tốt nhất.

Nhiều địa phương dù lượng chất thải phải xử lý không lớn nhưng suất đầu tư vào công nghệ quá lớn, không phù hợp với tình hình thực tiễn. Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Quang Huân lấy ví dụ thực tế như công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng chỉ nên áp dụng cho các địa phương có lượng rác cần đốt trên 500 tấn/ngày, dưới công suất này sẽ trở nên lãng phí và tốn kém. Tuy nhiên, rất nhiều tỉnh đầu tư công nghệ này như các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển chất thải chưa đồng bộ dẫn đến việc khi áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài không đạt được các mục tiêu về kỹ thuật lẫn kinh tế, không hiệu quả. 

Do vậy, theo các đại biểu, việc ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn cần được xem xét, tính toán phù hợp với điều kiện đặc trưng của từng vùng miền, địa phương. Đặc biệt là với chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta có độ ẩm cao, lẫn nhiều tạp chất, phân loại đầu nguồn chưa tốt… Công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với Việt Nam phải khắc phục được những nhược điểm trên và có giá thành đầu tư phù hợp.

Để ngăn chặn và giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, ngoài việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn, triển khai áp dụng các công nghệ xử lý hiệu quả thì giải pháp quan trọng nhất được các đại biểu nhấn mạnh, đó là tăng cường tuyên truyền đối với người dân, nhất là thế hệ trẻ để tạo sự đồng thuận, chung tay của cả cộng đồng để tạo thành ý thức bảo vệ môi trường của từng cá thể trong xã hội.

Bình Minh và nhóm PV, BTV