Chia sẻ thông tin liên quan đến việc xử lý can nhiễu tần số, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay: Những năm gần đây, số lượng các vụ can nhiễu tần số do các cá nhân, tổ chức sử dụng thiết bị vô tuyến chưa đúng tiêu chuẩn ngày càng tăng lên. Bình quân một năm cơ quan quản lý tần số phải xử lý hàng trăm vụ can nhiễu.

Trong khi đó, việc rà soát và tìm nguồn gây nhiễu không dễ dàng. Nhức nhối nhất hiện nay là việc dùng điện thoại không dây kéo dài gây nhiễu mạng 3G của MobiFone, dùng thiết bị kích sóng trái phép gây nhiễu mạng 3G của Viettel.

“Có những tháng Cục Tần số Vô tuyến điện tiếp nhận hàng chục vụ can nhiễu, mỗi quý lên đến cả trăm vụ. Có những thời điểm xe chuyên dùng của tần số phải chạy ngoài đường suốt ngày để xử lý can nhiễu. Để xử lý được, có khi cán bộ của Cục phải đi tìm nguồn nhiễu mất nhiều ngày, cuối cùng khi phát hiện nguồn nhiễu ở nhà dân, phải thuyết phục người dân cho vào tận phòng ngủ để tắt điện thoại phát xạ gây nhiễu”, ông Hoan chia sẻ.

Cục Tần số Vô tuyến điện đã làm việc với Tổng cục Hải quan để hỗ trợ, xử lý ngăn chặntình trạng nhập khẩu các loại điện thoại không dây chuẩn DECT 6.0 từ Bắc Mỹ về Việt Nam. Cục Tần số vô tuyến điện cũng đã phối hợp nhờ cả sứ quán Việt Nam ở Mỹ và Canada đăng thông tin tuyên truyền để người dân không nhập về. Nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều điện thoại loại này được mang về sử dụng ở Việt Nam.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo Cục Tần số Vô tuyến điện và các đơn vị của Bộ phải tìm biện pháp để xử lý vấn nạn thiết bị kích sóng di động được rao bán, được sử dụng tràn lan gây can nhiễu mạng 3G. Việc dùng thiết bị gây nhiễu có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn mạng viễn thông Việt Nam.

Trong năm 2015, Cục Tần số Vô tuyến điện đã tiếp nhận và xử lý kết thúc 260 vụ can nhiễu, tăng 105 vụ so với năm 2014, trong đó có tới 195 vụ can nhiễu thông tin di động, chiếm tới 75%.

Trong năm 2015, số lượng thiết bị trạm lặp (trạm kích sóng di động) gây can nhiễu cũng tăng lên đột biến, các cơ quan quản lý tần số đã phát hiện 173 thiết bị trạm lặp, trong khi số vụ bị phát hiện năm 2013 là 38 thiết bị, năm 2014 là 9 thiết bị. Các thiết bị trạm lặp di động gây nhiễu hầu hết là không có hợp chuẩn, hợp quy và không đảm bảo chất lượng phát xạ được các tổ chức, cá nhân tự ý mua về sử dụng để cải thiện vùng phủ sóng di động trong nhà, trụ sở công ty.

Bên cạnh đó, các thiết bị vô tuyến sử dụng tần số không đúng quy hoạch được nhập vào Việt Nam gây nhiễu cho các mạng thông tin di động. Điện thoại không gây kéo dài không đạt chuẩn cũng là thủ phạm gây can nhiễu với số lượng khá lớn. Trong năm 2015, cơ quan quản lý tần số cũng xử lý 1.078 điện thoại không dây DECT 6.0 gây nhiễu cho mạng 3G, trong đó riêng khách sạn Sheraton ở TP.HCM đã bị phát hiện có tới 500 chiếc điện thoại DECT gây nhiễu.

Ngoài ra các thiết bị nhận dạng vô tuyến, camera không dây gây nhiễu cho mạng di động, thiết bị khác không đáp ứng chất lượng phát xạ, tương thích điện từ gây can nhiễu. Các thiết bị phát sóng phát thanh FM, truyền thanh không dây gây nhiễu tần số điều hành bay, thiết bị mạng nội bộ không dây cũng gây nhiễu cho mạng di động 3G.

Cá biệt còn có trường hợp thiết bị điện tử trong biển quảng cáo, trong dây chuyển sản xuất bóng đèn cũng gây nhiễu mạng di động.

Trong năm 2015, một số vụ can nhiễu cũng được xác định nguyên nhân là do sử dụng thiết bị bộ đàm, mạng dùng riêng hoạt động không có giấy phép, hoặc dùng sai quy định của giấy phép gây nhiễu cho các mạng dùng riêng khác. Can nhiễu do hiện tượng truyền dẫn sóng đối lưu. Can nhiễu giữa các đài vô tuyến điện mặt đất, can nhiễu giữa các mạng điều hành taxi, điều hành bay, điều hành mạng di động của Việt Nam với các nước khác.

Trước tình trạng số vụ can nhiễu mạng di động tăng lên đột biến trong năm 2015, Viettel mới đưa ra kiến nghị Bộ TT&TT cần bổ sung quy định cấp giấy phép cho các đơn vị, cá nhân dùng trạm lặp, để hạn chế tình trạng sử dụng trạm lặp tràn lan gây can nhiễu, thiệt hại cho các nhà mạng di động.