Tháng này, Chỉ số USD theo trọng số thương mại (Trade-Weighted Dollar Index) của Ngân hàng Deutsche đã giảm hơn 1% trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu. Đây là chỉ số phản ánh giá trị của đồng USD so với các ngoại tệ khác.
Sức mạnh của đồng USD gia tăng trong suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, do các nền kinh tế thế giới đang nỗ lực phục hồi từ cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19, giá trị của đồng bạc xanh so với các đồng tiền khác có khả năng sụt giảm.
Đồng bạc xanh có xu hướng tăng trong thập kỷ qua. Ảnh: Bloomberg. |
Tình hình có thể còn tồi tệ hơn do GDP Mỹ trong quý II/2020 được dự đoán giảm hơn 30%. Thêm vào đó, với các chính sách nới lỏng tiền tệ đang được thực hiện giúp hỗ trợ nền kinh tế, sức mạnh của đồng USD có khả năng suy giảm.
"Quý vị sẽ chứng kiến Khu vực đồng euro và châu Á mở cửa trở lại nền kinh tế với tốc độ nhanh hơn Mỹ. Đồng USD có xu hướng yếu hơn trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế toàn cầu", Bloomberg dẫn lời chuyên gia Peter Kinsella tại Union Bancaire Privée nhận định.
Chỉ số ICE US Dollar, một thước đo tiền tệ khác, dự kiến sụt giảm 2% xuống còn 94,1 trong quý II/2021, theo các chuyên gia của Bloomberg. Chỉ số này giao dịch quanh ngưỡng 96 hôm 15/7.
"Xu hướng thúc đẩy nền kinh tế nội địa tại Khu vực đồng euro và Trung Quốc, cũng như niềm tin ngày càng gia tăng về sự suy yếu của đồng USD theo thời gian, củng cố quan điểm rằng đồng USD có khả năng suy yếu so với các đồng tiền chính khác", chiến lược gia Zach Pandl tại Goldman Sachs nhận định.
(Theo Zing)