Hãng bảo mật Trend Micro (Nhật Bản) đánh giá tân công mạng với mục đích chính trị sẽ gia tăng trong năm 2016. Theo đó, tin tặc sẽ triển khai các phương thức tấn công để tiêu diệt mục tiêu một cách có hệ thống vào những dữ liệu quan trọng của nhiều doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, với mục đích chính trị.
Phát biểu trong chương trình Diễn tập bảo vệ Hệ thống Thông tin TP.HCM vào tháng trước, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cũng đã nhấn mạnh đến việc tội phạm mạng đang chuyển sang tấn công có mục đích chính trị, do các tổ chức chính trị hậu thuẫn. “Thời gian gần đây, trên thế giới đã chứng kiến rất nhiều vụ tấn công có quy mô lớn vào các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu của các quốc gia, đặc biệt các cuộc tấn công mạng gần đây có những mối liên hệ với các cuộc xung đột giữa các quốc gia, liên quan đến chính trị, sắc tộc và tôn giáo. Chính vì vậy, có thể nói rằng các cuộc tấn công mạng ngày nay đã bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của “chiến tranh mạng” trong tương lai gần”, Thứ trưởng cho biết.
Tại Việt Nam, hàng năm cũng chứng kiến hàng ngàn vụ tấn công vào các máy tính thuộc cơ quan nhà nước và các đơn vị truyền thông, báo đài. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2015 đã có 2.790 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 34 website chính phủ .gov.vn và 122 website giáo dục .edu.vn. Theo thống kê của zone-h.org cho thấy trong năm 2015 có hơn 120 website thuộc khối chính phủ Việt Nam (có tên miền .gov.vn) bị tin tặc tấn công và thay đổi giao diện.
Trong diễn biến căng thẳng trước tình hình biển Đông, hacker Trung Quốc cũng tăng cường tấn công vào các cơ quan nhà nước. Có 1.597 trường hợp trong đó nhiều nhóm hacker Trung Quốc tấn công thay đổi giao diện các trang web đặt tại Việt Nam, trong đó, có khoảng 10 trang thuộc các cơ quan quản lý nhà nước.
Trên thế giới, việc tấn công mang mục đích chính trị cũng đang là mối lo ngại của hầu hết các quốc gia. Vừa qua, hệ thống mạng máy tính của công ty bảo mật Juniper Networks (Mỹ) đã bị đột nhập. Điều này khiến các nhà chức trách của Mỹ lo ngại rằng các hacker làm việc cho các chính phủ nước khác có khả năng theo dõi hệ thống thông tin liên lạc được mã hóa của chính phủ và các công ty tư nhân trong vòng ba năm qua. Vụ việc này được cho là có sự nhúng tay của chính phủ nước ngoài bởi vì sự phức tạp của nó.
Trước tình hình diễn biến “chiến tranh mạng” ngày càng lan rộng, Việt Nam cũng tích cực triển khai công tác diễn tập phòng chống tấn công mạng. Trong năm 2015, các cuộc diễn tập ở các quy mô và cấp độ khác nhau từ đơn lẻ các doanh nghiệp, đơn vị đến tâm tỉnh thành trực thuộc Trung ương và ở cấp Quốc gia đã được chú trọng thực hiện.