Đó là nhận định của ông Đỗ Hữu Hưng - CEO Accesstrade tại cuộc họp báo vào chiều nay, 7/8 giới thiệu Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến (Vietnam Online Marketing Forum – VOMF) 2017 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức.

Cũng theo ông Hữu Hưng, thực tế, xu hướng này ở Việt Nam còn khá manh mún, phổ biến với các đối tượng kinh doanh trực tuyến, coi Facebook là một kênh bán hàng, một kênh tương tác với người mua. Do đó, chủ các shop online thường “nhập vai” người mẫu, thử đồ ngay tại nhà theo yêu cầu của khách hàng nên hình ảnh còn khá luộm thuộm.

Trong khi đó, tại nước ngoài, đơn cử ngay như tại Trung Quốc, việc livestream bán hàng đã được tổ chức hết sức chuyên nghiệp với các video trực tuyến được ghi hình tại trường quay, có sự tham gia của người mẫu và đã trở thành một hình thức cực kỳ thu hút ở tại nước này.

Theo đánh giá của VECOM, năm 2016 thương mại điện tử (TMĐT) nước ta bước sang giai đoạn phát triển nhanh. Tuy nhiên, giai đoạn phát triển này tiếp tục gặp một số trở ngại lớn, bao gồm lòng tin của người tiêu dùng còn thấp, các dịch vụ thanh toán, tiếp thị trực tuyến và dịch vụ chuyển phát chưa đáp ứng nhu cầu.

Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam cho hay, năm 2016 mạng xã hội vượt qua công cụ tìm kiếm để trở thành phương tiện quảng cáo trực tuyến được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất với các tỷ lệ tương ứng là 47% và 41%. Email tiếp tục là kênh quảng cáo được nhiều doanh nghiệp quan tâm (36%). Quảng cáo qua báo điện tử và báo giấy khá ổn định với các tỷ lệ tương ứng là 34% và 20%. Quảng cáo trên truyền hình có xu hướng giảm và ổn định dần ở mức xấp xỉ 10-13%.

Mạng xã hội không những được sử dụng nhiều nhất mà còn được coi là kênh quảng cáo hiệu quả tương đương với công cụ tìm kiếm, 46% doanh nghiệp cho biết quảng cáo trên mạng xã hội đạt hiệu quả cao trong khi tỷ lệ này với công cụ tìm kiếm là 44%.

Kết quả khảo sát doanh nghiệp này của VECOM phù hợp với một cuộc khảo sát độc lập khác với đối tượng tham gia là các khách hàng cá nhân mua sắm trực tuyến. Có tới 67% khách hàng cá nhân chọn lựa website hay ứng dụng di động để mua sắm sau khi xem bình luận, đánh giá trên mạng, đặc biệt là các mạng xã hội. Đáng chú ý là yếu tố thứ hai tác động tới quyết định sẽ mua sắm trực tuyến vẫn dựa vào sự giới thiệu của bạn bè và người thân (47%), trong khi các quảng cáo trên báo điện tử, báo giấy và tivi chỉ đứng thứ ba (33%).

Tuy nhiên, còn tới 17% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chưa triển khai bất kỳ hoạt động quảng cáo trực tuyến nào.

Theo khảo sát của VECOM, doanh thu của toàn bộ thị trường quảng cáo trực tuyến vẫn trên đà tăng trưởng mạnh. Ngoài các doanh nghiệp, đông đảo thương nhân là những hộ kinh doanh và cá nhân đã khai thác lợi thế của bán hàng trực tuyến. Thành phần này đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của quảng cáo trên các mạng xã hội.

Bên cạnh những hãng quảng cáo trực tuyến khổng lồ thống trị thị trường thế giới như Google hay Facebook, một số công ty quảng cáo nước ngoài đã chú ý tới tiềm năng to lớn của thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam. Trong đó, một số công ty hàng đầu trong lĩnh vực Tiếp thị liên kết (affiliate marketing) và Tiếp thị tự động (programmatic marketing) đã hiện diện hoặc có những hoạt động thâm nhập thị trường.