- Nhằm siết chặt, gắn trách nhiệm đảm bảo ATGT đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong Nghị định 86 đã có quy định “xử” chủ doanh nghiệp để xảy ra tai nạn giao thông.
Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị thu hồi Giấy phép kinh doanh không thời hạn khi kinh doanh loại hình vận tải không đúng giấy phép; trong thời gian 1 năm có trên 50% số xe hoạt động mà người lái xe vi phạm luật gây ra TNGT nghiêm trọng (có từ 3 người chết trở lên).
Đây là một trong những điểm mới nhất trong Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vừa được Bộ GTVT công bố ngày hôm nay (17/9).
Hiện trường vụ tai nạn xe khách giường nằm. (Ảnh minh họa: VietNamNet) |
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá: Nghị định 86 có những điểm rất mới, tác động đến xã hội rất lớn ở lĩnh vực giao thông đường bộ.
Liên quan đến vấn đề kiềm chế TNGT liên quan đến loại hình xe khách giường nằm, ông Trần Kỳ Hình - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện cả nước có hơn 4.500 xe khách giường nằm được kiểm tra theo tiêu chuẩn.
Việc đảm bảo an toàn phụ thuộc vào chất lượng xe, cung đường, người lái và các yếu tố tương thích khác. Ông Hình cho hay, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan thử nghiệm kiểm tra để đưa ra những thông số, đề xuất thay đổi tiêu chuẩn nâng cao tính an toàn.
“Chúng tôi đang nghiên cứu sự phù hợp của xe với cung đường, trên cơ sở đó có lộ trình nhất định đối với các tuyến đường, loại xe cụ thể. Trong tháng 9 hoàn thành báo cáo Bộ GTVT”, ông Hình nói.
Siết điều kiện kinh doanh
Một trong những điểm mới khác đáng chú ý nhất là điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có quy định về quy mô DN, dựa trên số lượng xe. Theo đó, khi hoạt động kinh doanh vận tải, DN phải có đủ số lượng phương tiện theo phương án kinh doanh đã được duyệt.
Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với HTX. Ngoài ra, tất cả các xe ô tô tham gia kinh doanh hoạt động vận tải sẽ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT).
Ông Nguyễn Văn Quyền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, việc siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô tại Nghị định lần này như hình thức “dồn điền đổi thửa” trong hoạt động vận tải đường bộ.
“Từ trước đến nay kinh doanh vận tải phát triển theo chiều rộng là chủ yếu, quản lý lỏng lẻo, an toàn giao thông kém, hiệu quả kinh doanh thấp... Chúng ta không thể kéo dài tình trạng mỗi nhà một chiếc xe kinh doanh, đến ngành nông nghiệp cũng còn chấm dứt tình trạng mỗi nhà dăm bảy mảnh ruộng mà phải thực hiện dồn điền đổi thửa, đây là tiến trình tất yếu của quá trình vận tải đường bộ”, ông Quyền nói.
Theo ông Quyền cho biết, Nghị định lần này cũng có những quy định để hạn chế sự tranh giành khách của các loại xe hợp đồng với xe chạy tuyến cố định.
Trước đây các văn bản quy định lỏng lẻo: xe tuyến cố định không được phép dừng đón khách trên đường nếu không phải điểm dừng đỗ, trong khi xe hợp đồng lại được phép thực hiện.
Do vậy, trong Nghị định mới đã khép chặt lại quy định này, xe hợp đồng cũng chỉ được dừng đỗ theo đúng điểm đã ghi trong hợp đồng.
Doanh nghiệp phải báo cáo hành trình trước với Sở GTVT qua mạng internet. Để sau này làm cơ sở cơ quan quản lý rà soát lại dữ liệu trên thiết bị GSHT, nếu dừng đỗ sai, người ta sẽ hậu kiểm quản lý.
Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP, ô tô được phép chở từ 10 hành khách trở lên đối với cự ly trên 300km phải có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, đối với cự ly 300km trở xuống niên hạn không quá 20 năm. Điều này nhằm loại bỏ tình trạng ô tô chở khách cũ nát đang hoạt động trên các tuyến QL. Đối với loại hình xe taxi, niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị và không quá 12 năm tại các địa phương khác. Từ ngày 1/7/2016, xe taxi phải có hóa đơn tính tiền công khai, minh bạch cho khách hàng nắm rõ. |
Vũ Điệp