Không còn hồn nhiên, "vô lo vô tư" như ngày xưa nữa, học trò thời nay đang phải chịu một gánh nặng vô cùng lớn mang tên; áp lực học hành thi cử, nó nhức nhối đến độ người ta thường gọi nó là một "vấn nạn" trong xã hội này.
Hôm nay, các sĩ tử 2001 đang bước vào ngày thi cuối cùng của kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Làm bài tốt thì thí sinh vui mừng, bố mẹ vui theo nhưng cũng có những người đang phải đối mặt với tình cảnh không dám nhìn vào mặt cha mẹ, thầy cô, bè bạn vì điểm số không như mong đợi.
Mới đây, cư dân mạng đang truyền tai nhau hình ảnh một nam sinh ngồi thẫn thờ, ôm đầu trước cổng trường sau ngày thi thứ hai. Theo chủ nhân bài viết, do nhận thấy bản thân làm bài không tốt nên sĩ tử này không dám về nhà vì không biết nói với bố mẹ thế nào.
Ảnh: Ngan Chiem/Group Ký Sự Đường Phố.
"Mình cũng động viên. Bảo em ơi cố gắng nhé, đại học đâu phải con đường duy nhất. Quan trọng là em có ý chí. Sau đó mình chở về tận nhà vì sợ em nó không làm được bài rồi suy nghĩ linh tinh thì tội.
Nhân đây mình cũng gửi đôi lời đến các phụ huynh là đừng đặt mục tiêu lên các em nhiều quá, vì càng đặt mục tiêu thì các em càng áp lực. Nhiều em có suy nghĩ không muốn về nhà và có thể làm chuyện thiếu suy nghĩ. Mong các cha mẹ đọc được bài viết này", chủ nhân của bài viết chia sẻ.
Câu chuyện này một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc cha mẹ đang quá tạo áp lực cho con cái. Dẫu biết điểm số là quan trọng, điểm số cao có thể giúp chúng ta thuận lợi hơn trong quá trình chạm tay đến ước mơ và hoài bão. Thế nhưng nếu các bậc phụ huynh vẫn cứ tiếp tục đặt nặng kỳ vọng vào con cái và tưởng rằng đó là cách giúp cho "đôi cánh" của con bay xa mãi, thì các vị đã sai rồi, chính điều này có khi sẽ đè nặng "đôi cánh ấy", đôi khi gây ra những hậu quả khó lường.