Cây hồng trăm tuổi gây 'sốt' mạng ở Ninh Bình

Mới đây, cây hồng cổ ở thôn Khê Hạ, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình bất ngờ nổi tiếng, thu hút giới trẻ đến check-in, chụp ảnh vì có bối cảnh đẹp như ở xứ Hàn. Theo Báo Dân Trí, cây hồng có vẻ đẹp cổ kính bên chiếc cổng mái ngói, cửa gỗ, bức tường rêu phong. Các bạn trẻ đến check-in tại cây hồng thích nhất là mặc trang phục của xứ sở kim chi. Vì thế, tại đây cũng xuất hiện nhiều điểm cho thuê trang phục, phục vụ các bạn trẻ "sống ảo".

{keywords}
Du khách từ khắp nơi ùn ùn đổ về cây hồng để chụp ảnh.

Cây hồng cổ này của gia đình bà Lê Thị Xiêm (71 tuổi). Bà Xiêm cho biết, cây hồng được trồng cách đây hơn 100 năm, khi bà về làm dâu đã thấy có cây hồng trước ngõ. Hàng năm, cứ vào tháng Giêng, tháng 2 âm lịch là cây hồng nảy lộc, ra hoa kết trái. Đến tháng 9, cây rụng lá, quả chín vàng và có thể bứt ăn được.

Cây vú sữa dáng rồng cổ quái, rao giá 3 tỷ đồng

Những cây cảnh có hình dáng độc lạ luôn được mọi người yêu thích và săn lùng. Tuổi đời nhiều năm lại có dáng, thế đẹp khiến chúng được chủ nhân phát giá rất cao.

{keywords}
Cây vú sữa dáng rồng trong khu vườn của nghệ nhân ở Đồng Tháp. (Ảnh: Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)

Doanh Nghiệp và Tiếp Thị cho hay, mới đây, trên Youtube chia sẻ đoạn video giới thiệu về cây vú sữa dáng rồng thuộc hàng 'độc nhất, vô nhị' tại Tân Hòa, An Hiệp (Đồng Tháp). Theo hình ảnh được chia sẻ, cây vú sữa dài tới 9m, tuổi đời hơn 60 năm. Cây vú sữa này được tạo dáng tự nhiên với phần gốc là đầu rồng, thân cây tương ứng với thân chú rồng, phần đuôi vút cao là tán cây với rất nhiều trái sai trĩu. Đặc biệt, các cành lá, được chủ nhân cắt tỉa, uốn, tạo hình như râu rồng, vảy rồng, khiến cho cây kiểng càng thêm sinh động, đẹp mắt.

Chủ nhân cho biết, ban đầu, gia đình trồng cây vú sữa lấy trái ăn. Sau đó, vì thấy cây vú sữa có hình dáng kỳ quái nên đã tạo hình thành chú rồng đang bay lượn. Vì mất nhiều năm, bỏ nhiều công sức chăm sóc, tạo dáng thế, chủ nhân quyết định phát giá 3 tỷ cho cây vú sữa dáng rồng.

Quả dứa tí hon được định giá tiền tỷ

Tri Thức và Cuộc Sống phản ánh, mới đây, trên một hội thích trồng cây cảnh, một tài khoản "khoe" quả dứa có kích thước nhỏ xíu, được trồng trên sân thượng. Theo tiết lộ của chủ nhân, sau khi chơi Tết xong, anh mang quả dứa cảnh trồng vào chậu và chăm sóc thì cho thành quả như hôm nay.

{keywords}
Quả dứa có kích thước nhỏ xíu trồng trên sân thượng. (Ảnh: Tri Thức và Cuộc Sống)

Hình dáng lạ mắt của quả dứa tí hon khiến nhiều cư dân mạng tỏ ra thích thú. Nhiều người còn mạnh dạn định giá trái dứa này tới 3 tỷ đồng. Song một số cư dân mạng cho rằng quả dứa tí hon này không phải là sản phẩm của đột biến hay do chăm sóc không đủ chất dinh dưỡng mà thực chất đây là giống dứa cảnh. Cách đây ít lâu, một quả dứa có hình thù kỳ lạ cũng được cư dân mạng thi nhau đấu giá, người trả 7 tỷ, 8 tỷ, 10 tỷ, thậm chí có người trả đến 20 tỷ.

Độc lạ cà phê voi ở Lâm Đồng

Báo Pháp Luật Việt Nam thông tin, từng nhiều năm chăm sóc đàn thú, bác sĩ thú y Phan Đắc Bảo Đại (43 tuổi, trú huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã mạnh dạn hiện thực hóa ý tưởng làm cà phê voi. Nhờ chuẩn bị kiến thức kĩ càng, mô hình cà phê voi của anh nhanh chóng cho thành quả. Hiện anh Đại là chủ một trong những quán cà phê voi đầu tiên ở Việt Nam. Trung bình mỗi năm cơ sở của anh Đại sản xuất được từ 3-4 tấn cà phê voi.

Để làm được cà phê voi phải trải qua nhiều công đoạn. Trước hết phải chọn vườn cà phê chất lượng, quả cà phê cho voi ăn phải có cơm dày, ngọt, vỏ mỏng. Theo anh Đại, để cà phê có hương vị ngon hơn, khi cho voi ăn quả, cà phê nên trộn lẫn một số loại hoa quả có mùi thơm khác như: mít, ổi, mía, chuối,... Hạt cà phê sau khi được lấy ra từ phân voi phải được phơi hoặc sấy khô, nếu không hạt cà phê sẽ thâm kim làm biến đổi vị cà phê. Trong quá trình rang cà phê cũng phải để ý nhiệt độ và thời gian rang thích hợp.

Chàng trai bỏ việc ngân hàng chọn nghề 'độc' khởi nghiệp

Báo Dân Trí cho biết, từ một nhân viên ngân hàng, anh Dương Minh Tuấn (32 tuổi, ở Quận 6, TP.HCM) tạm gác công việc để theo đuổi nghệ thuật điêu khắc trên da và cho ra đời những sản phẩm thời trang độc đáo, mang phong cách của riêng mình.

{keywords}
Hình tượng nhân vật trong phim HellBoy được anh Tuấn chế tác trên ví da.

Theo anh Tuấn, hiện số lượng người hành nghề khắc trên da ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa số đều tự học. Thông thường, người ta chọn gỗ, đá để điêu khắc, lạ hơn thì chọn vỏ trứng. Gần đây, da bò được nhiều người chọn để làm chất liệu điêu khắc bởi có thể ứng dụng vào những món đồ thời trang như túi xách, bóp, thắt lưng... Giá của từng sản phẩm từ vài trăm ngàn đến hơn chục triệu đồng.

Nhà sáng chế chân đất biến 'đồng nát' thành máy nông nghiệp thông minh

Báo Lao Động cho hay, anh Tạ Đình Huy (huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) đã tìm mua lại những động cơ cũ hỏng và mày mò, chế tạo thành chiếc máy nông nghiệp thông minh, phục vụ cho nhu cầu sản xuất tại địa phương.

Được điều khiển bằng chế độ tự động, tích hợp gần 15 tính năng, chiếc máy nông nghiệp thông minh do anh Huy sáng chế có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như cày bừa, phay đất, làm cỏ vườn, tạo hàng để gieo hạt, tạo luống, tời kéo nông, đảo phân vi sinh, xẻ rãnh thoát nước, đào hố trồng cây, làm máy phát điện... Với việc dùng động cơ thông dụng như diesel, chiếc máy nông nghiệp thông minh của anh Huy không chỉ được bà con nông dân trên cả nước biết đến mà còn nhận được nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài.

Nghề 'độc', lạ ở miền Tây, buôn bán cỏ dại đắt như tôm tươi

Theo Báo Dân Trí, tại ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, có phiên chợ đặc biệt chỉ bán duy nhất một mặt hàng là cỏ. Tại phiên chợ kỳ lạ nhất miền Tây này, cỏ đắt như tôm tươi và người mua cỏ phải xếp hàng. Mỗi ngày, người làm nghề cắt cỏ có thể kiếm được vài ba trăm nghìn đồng.

{keywords}
Người dân mua bán cỏ

Nói về sự ra đời của khu chợ đặc biệt này, những bậc cao niên tại ấp Phước Lộc cho biết, trước đây, ở vùng giáp biên giới Tây Nam, người dân chỉ trồng 2 vụ lúa, xen vào đó vụ hoa màu hoặc có khi bỏ đất trống, những cánh đồng cỏ bát ngát mọc lên nhiều. Do nhu cầu tiêu thụ cỏ cao nhưng có một số thời điểm như mùa mưa, mùa nước nổi bà con không thể thả trâu, bò ra đồng ăn cỏ nên nhiều người đã nghĩ đến việc đi cắt cỏ về bán lại cho những hộ chăn nuôi gia súc. Thấy nghề này kiếm tiền được nên người này rủ người kia làm. Lâu dần hình thành nên chợ cỏ Ô Lâm đến tận ngày nay.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Quán 'phở gánh': Bánh phở 'khổng lồ', cân từng hoa thịt bò, ngày hết 300 tô

Quán 'phở gánh': Bánh phở 'khổng lồ', cân từng hoa thịt bò, ngày hết 300 tô

Quán phở của bà Dung ngoài nồi nước dùng sôi sùng sục 24/24 được lòng thực khách còn có loại bánh phở to bản "khác người" và kiểu cân thịt từng bát.