Cần khắc phục tình trạng 63 tỉnh, 63 nền kinh tế, làm thế nào để nguồn lực có hạn không bị phân tán, phải tính tới lợi ích vùng chứ không phải lợi ích cục bộ.
Sáng nay, 3/ 4, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các cơ quan tổ chức hội thảo “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho hay, mặc dù Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định trong thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Ví dụ, vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy được vai trò đầu tàu, có tác dụng lan tỏa hiệu quả đầu tư vượt trội…
Trưởng ban Kinh tế TW - Vương Đình Huệ. |
Ông Huệ cho rằng, từ thực trạng của liên kết vùng và nhiều vấn đề cấp bách vùng hiện nay nổi lên từng địa phương khong thể giải quyết được một cách hiệu quả như biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, khô hạn và quản lý nguồn nước ở Tây Nguyên, quản lý rừng và sinh thái vùng miền núi phía Bắc, phát triển hạ tầng miền Trung…
Ông Huệ mong mỏi, hội thảo trao đổi sâu về việc khắc phục tình trạng 63 tỉnh, 63 nền kinh tế, làm thế nào để nguồn lực có hạn không bị phân tán, phải tính tới lợi ích vùng chứ không phải lợi ích cục bộ.
Ngoài ra, việc phân bổ dự toán và phân chia lợi ích cho các tỉnh trong vùng như thế nào, vai trò nhà nước và vai trò thị trường như thế nào trong liên kết vùng… cũng là vấn đề mà Trưởng ban Kinh tế Trung ương đặt ra để các đại biểu thảo luận.
Đại diện Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Christian Berger chia sẻ, một thách thức lớn của Việt Nam hiện nay là bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, thách thức này không thể một tỉnh có thể giải quyết được mà các tỉnh phải kết hợp với nhau.
Vị đại sứ cũng chia sẻ, phía Đức sẽ hỗ trợ Việt Nam tối đa trong việc tăng trưởng kinh tế xanh và việc này cần định hướng để đưa vào yêu cầu, cơ chế phát triển liên kết vùng.
Tại hội thảo, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới – WB tại Việt Nam cũng cho rằng, điều phối cấp tỉnh chưa đủ khả năng lo được cho toàn vùng ĐBSCL. Việt Nam cần xây dựng cơ chế, thể chế phù hợp, tăng cường điều phối vùng theo chiều dọc và chiều ngang.
“Một số cơ quan được giao về điều phối cần cố gắng nhiều hơn nữa, tăng nhiệm vụ của cơ quan vùng, làm rõ hơn nữa mục tiêu, mục đích, đo lường được hiệu quả hoạt động của điều phối vùng” – bà Kwakwa nói.
Theo Điện tử Tổ Quốc