Phát huy đầu tư công
Nhiều DN phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, những lĩnh vực đóng góp lớn cho tăng trưởng hàng năm như xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ... đều chịu ảnh hưởng xấu vì dịch bệnh. Kinh nghiệm từ những lần kinh tế gặp khó khăn cho thấy, tăng chi tiêu Chính phủ, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, sẽ là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giới chuyên môn cho rằng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công sẽ khiến cầu của nền kinh tế tăng lên và điều này kích thích các DN quay trở lại với sản xuất. Hơn nữa, đầu tư công được đẩy mạnh vào xây dựng hạ tầng không chỉ tạo ra cầu trước mắt mà còn tạo nền tảng cho phát triển dài hạn.
Việc triển khai giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án, nhiều địa phương là điểm nghẽn khiến việc giải ngân vốn bị chậm (ảnh minh họa). |
Vốn đầu tư công thường là những nguồn lực lớn, đầu tư vào các dự án quan trọng. Do đó, quá trình giải ngân sẽ kéo theo các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân và nước ngoài, tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.
Số liệu thống kê cho thấy, đầu tư công hiện chiếm hơn 10% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội hàng năm. Tuy nhiên, tình trạng chậm giải ngân đầu tư công từ gần chục năm qua đã tạo ra “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP.
Giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 cả nước đạt hơn 270.209 tỷ đồng, bằng 62,94% so với kế hoạch Quốc hội giao và 67,46% kế hoạch Chính phủ giao. Còn giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2020, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, là 470.850 tỷ đồng.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, thực hiện vốn đầu tư công là giải pháp hiệu quả giúp tăng trưởng kinh tế, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm. Nếu năm nay giải ngân được 100% kế hoạch sẽ làm tăng GDP thêm 0,42 điểm phần trăm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua thực hiện giải ngân đầu tư công chậm là do công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập, chưa kỹ, chưa tốt dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần. Bên cạnh đó, thủ tục điều chỉnh chưa được đơn giản hóa, phải xét duyệt qua nhiều cấp, kéo dài thời gian. Công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân. Việc triển khai giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án, nhiều địa phương là điểm nghẽn khiến việc giải ngân vốn bị chậm.
Xóa “nút thắt cổ chai”
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Dự án cao tốc Bắc Nam cần chuyển đổi hình thức sang đầu tư công |
Thông báo nêu rõ, cần tập trung đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng do tác động của dịch Covid-19. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Có biện pháp, giải pháp cụ thể và chế tài mạnh mẽ trong triển khai thực hiện.
Chính phủ cũng đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (8 dự án) và dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ đối tác công tư sang đầu tư công. Bố trí mức vốn phù hợp từ nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 cho dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và đường cất hạ cánh, đường lăn của hai cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Đồng thời, đề xuất cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia, thúc đẩy tiến độ các dự án này trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết bởi đây đều là các dự ăn nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn hạ tầng” của nền kinh tế, như hàng không, đường bộ... Nếu tháo gỡ được, nghĩa là sớm đưa các dự án vào thực hiện, sẽ kết nối Việt Nam với thế giới và ngược lại. Không chỉ tạo ra sự năng động cho nền kinh tế mà còn tạo ra tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, sự chậm trễ trong giải ngân đầu tư công nói chung, giải ngân các dự án hạ tầng quy mô lớn nói riêng, có nguyên nhân do sự chồng chéo, không thống nhất của nhiều quy định pháp luật liên quan. “Trong bối cảnh hiện tại, tôi hy vọng sẽ có sự thay đổi thực sự từ thái độ và cả cách thức làm việc của các bộ, ngành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”, ông nói.
Ông cho rằng: “Có thể có những vướng mắc chưa gỡ được ngay vì nằm trong luật, nghị định, cần phải có thời gian để nghị xem xét, sửa đổi, nhưng tôi tin là nếu lãnh đạo các bộ, ngành chủ động đi tìm các nút thắt, tìm cách gỡ thay vì ngồi đợi theo đúng quy trình thì sẽ có giải pháp ngay”.
Quan trọng nhất là các bộ, ngành phải cho thấy các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là để thông đường, tháo bỏ hoặc giảm bớt các điểm tắc nghẽn cho nền kinh tế những năm tới, chứ không chỉ là để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư năm nay, ông Cung nhấn mạnh.
Các chuyên gia đều có chung nhận định rằng, những lúc khó khăn, nhiều biến động như hiện nay rất cần có cách làm mới, mạnh dạn và sáng tạo trong thực hiện và giải ngân đầu tư công. Đây cũng là cơ hội để thay đổi cách làm và linh hoạt cho mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong tương lai.
Trần Thủy
Sẵn 30 tỷ USD: Tình thế này, không thể 'có tiền mà không tiêu được'
Dòng vốn 30 tỷ USD được "bơm" đều đặn hàng năm để phục vụ đầu tư các dự án đầu tư công, nhưng nhiều năm nay trong tình trạng "có tiền mà không tiêu được". Việc này giờ đây phải thay đổi.