Chúng ta vẫn nói tới việc xây dựng một xã hội "công bằng, dân chủ, văn minh". Các chủ trương ở tầm vĩ mô ngay khi ban hành đã mang trong nó sự không công bằng, nên việc thực thi trở nên chắp vá.
Chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án trợ cấp cho các nhà giáo chưa được hưởng chế độ thâm niên khiến người đọc nhớ lại truyện ngắn của Đại văn hào Nga Puskin có tựa đề: "Con chim cu gáy".
Không biết từ "thâm niên" là gì
Tác giả viết: Một chiều hoàng hôn cuối thu, trong khu vườn phủ kín là vàng có con chim cu gáy đậu trên một cành cây khẳng khiu chỉ còn vài ba chiếc lá. Con chim cất tiếng hót trầm buồn: Cúc cu, cúc cu .... Bạn ơi cuộc sống đẹp vô cùng, hãy sống đi, hãy yêu đi, cúc cu. Còn tôi, tôi chỉ có một mình, cúc cu...
Tiếng hót trầm buồn của con chim cu gáy ấy có lẽ cũng giống như nỗi niềm suy tư của các nhà giáo nghỉ hưu khi biết đến chủ trương của Bộ GD và ĐT. Nhớ lại ngày xưa trong bảng tự xếp hạng giàu nghèo của xã hội, nhà giáo được xếp trên... "hành khất". Ngày xưa nhà giáo còn không phải đi xin vậy thì ngày nay sao họ còn phải hưởng trợ cấp?
Phải chăng ngành GD cũng đang hưởng trợ cấp xã hội? Kinh phí dành cho GD phải chăng cũng là sự ban phát, cho bao nhiêu biết chừng ấy? Nhà giáo nghỉ hưu từ năm 1993 đến 2011 là những người vào ngành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nhiều nhà giáo và các thế hệ học trò của họ đã cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Những người còn lại dù hưởng một tiêu chuẩn lương thực thấp nhất xã hội (khoảng 5 kg gạo và 8 kg ngô, khoai, sắn), nhưng các thầy cô vẫn làm tròn nhiệm vụ của mình cho đến ngày nhận quyết định nghỉ hưu. Trên khắp mọi miền đất nước, chắc chắn không có ai không phải là học trò của mấy trăm nghìn nhà giáo về hưu ấy.
Cần phải khẳng định rằng chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên là một sự động viên, cổ vũ họ yên tâm với nghề và cũng là một cách để họ có thể sồng bằng nghề.
Ngày 1/7/2010 Luật Người cao tuổi chính thức có hiệu lực thi hành có các quy định:
Khoản 1 điều 4: Chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi: Bố trí ngân sách hằng năm phù hợp để thực hiện chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
Khoản 1 điều 5: Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi.
Phải chăng các nhà giáo nghỉ hưu không phải là người cao tuổi nên không cần thiết phải đối xử công bằng với họ? Hay là do các quy định của Chính phủ và Quốc hội nên họ không có quyền và lợi ích hợp pháp về chế độ thâm niên?
Điều đáng nói không phải là khoản trợ cấp 2 triệu, 3 triệu hay 3,5 triệu đồng. Điều đáng nói là quan điểm của những người đề xuất chính sách. Tại sao lại là "trợ cấp" mà không phải là "quyền được hưởng?".
Ảnh minh họa. Nguồn: hutech.edu.vn |
Chúng ta vẫn nói tới việc xây dựng một xã hội "công bằng, dân chủ, văn minh". Các chủ trương ở tầm vĩ mô ngay khi ban hành đã mang trong nó sự không công bằng [1] nên việc thực thi trở nên chắp vá.
Theo đó "Phụ cấp thâm niên chỉ được áp dụng với các nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập. Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp".
Vậy là những nhà giáo về hưu sau khi Nghị định 54/2011/NĐ-CP có hiệu lực sẽ được cộng phụ cấp thâm niên vào lương để tính bảo hiểm xã hội, còn những người về hưu trước đó thì không. Rất nhiều giáo viên trẻ, những người đang được hưởng phụ cấp thâm niên khi biết các thầy về hưu không được hưởng đều cho rằng điều đó là vô lý.
Tại sao thâm niên được tính cho những người mới qua 5 năm giảng dạy mà không tính cho những người đã qua 30. 40 năm giảng dạy? Có lẽ những người biên soạn không hiểu chữ nho nên không biết từ "thâm niên" nghĩa là gì?
Và có lẽ những người đang tại vị ở Bộ GD và ĐT cũng không cần quan tâm đến cái khoản "trợ cấp vi mô" ấy vì những người được hưởng đã nằm ngoài guồng máy rồi?
Sở dĩ người viết dùng từ "trợ cấp vi mô' vì chỉ cần làm một phép tính đơn giản: Sau 30 năm giảng dạy (tức là 360 tháng) họ được trợ cấp 2 triệu đồng, thì mỗi tháng được 5500 đồng. Còn nếu được trợ cấp 3,5 triệu đồng thì mỗi tháng được 9700 đồng, số tiền này tương đương từ hai đến ...bốn mớ rau muống.
Có giống "vắt chanh bỏ vỏ"?
Dư luận đã từng xôn sao vì Dự án 70 nghìn tỷ cho cải cách sách giáo khoa. Vậy thì xin hỏi ông Bộ GD và ĐT: "Giáo viên và SGK, yếu tố nào quyết định đến chất lượng GD?". Những người được học hành tử tế chắc chắn biết câu nói: "Nếu anh bắn vào lịch sử bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác".
Đối xử với nhà giáo như vậy, có giống như "vắt chanh bỏ vỏ" chăng?
Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn cho rằng: Đã mưa thì mưa cho đều [2]. Các thầy cô có cảm thấy lòng mình tê tái khi nghe đồng nghiệp nói ra điều này? Người viết cho rằng cách nói của GS Nguyễn Xuân Hãn chỉ là ý kiến cá nhân, hoàn toàn không phản ánh ý nguyện của hàng trăm ngàn nhà giáo về hưu. Phụ cấp thâm niên hoàn toàn không phải là sự ban ơn theo kiểu "mưa cho đều".
Số tiền 565 tỷ dự kiến trợ cấp cho mấy trăm ngàn nhà giáo về hưu còn nhỏ hơn số tiền 718 tỷ mà một nhân viên ngân hàng Vietinbank biển thủ. Người viết tin rằng nếu Bộ GD và ĐT xin ý kiến các thầy cô về hưu, đem 565 tỷ trợ cấp ấy xây thêm các trường ở vùng sâu, vùng cao, xây thêm những cây cầu cho con em đi học khỏi phải bơi qua sông chắc chắn mọi người sẽ đồng ý, thậm chí còn đóng góp thêm nữa.
Gần đây trên trang Dân trí có bài viết của Bùi Hoàng Tám [3], tác giả viết:
Cải cách GD sẽ không bao giờ đạt được kết quả nếu người thầy không được đặt vào vị trí trung tâm. Người thầy không tự rèn luyện để xứng đáng, đó là lỗi rất lớn, nhưng nếu ở tầm cao hơn chúng ta xem nhẹ vai trò của người thầy thì đó là lỗi không thể tha thứ. |
Theo qui định hiện hành, mỗi một năm các thầy cô giáo được nghỉ hè ba tháng bằng 91 ngày cộng với các qui định chung như 12 ngày nghỉ phép, 10 ngày nghỉ tết, lễ... Trong chín tháng học, mỗi tháng học sinh nghỉ tám ngày thứ 7 và chủ nhật (8 x 9 = 72 ngày). Như vậy chỉ tính sơ bộ, mỗi năm các thầy cô nghỉ khoảng 185 ngày (91 + 12 + 10 + 72)...
Không lẽ một tác giả vốn hiểu biết rộng như vậy, viết nhiều như vậy, lại phạm những sai lầm hết sức sơ đẳng khi đưa các số liệu vào bài báo?
Trong thời đại công nghệ thông tin, không khó để tìm hiểu các quy định của Nhà nước về các chế độ, chính sách đang được áp dụng. Gõ dòng chữ: "Quy định nghỉ hè của giáo viên" trong Google, sẽ có hơn nửa triệu tin liên quan.
Thông tư số 28-2009-TT-BGD& ĐT ngày 21/10/2009 quy định:
- Nhà giáo chỉ được nghỉ hè chứ không được nghỉ phép.
- Thời gian nghỉ hè là 02 tháng chứ không phải 03 tháng.
- Nhà giáo ở các cấp phổ thông phải dạy từ 17 - 23 tiết/ một tuần.
...............
Đối chiếu quy định trên với các số liệu trong bài báo của tác giả Bùi Hoàng Tám sẽ thấy hoặc là bài báo không do tác giả viết, hoặc là tác giả không biết cách tìm kiếm thông tin trên mạng. Dù với bất kỳ lý do gì thì cũng không thể đưa những thông tin không chính xác như vậy lên một trang mạng có rất nhiều độc giả như Dân trí.
Sự sai phạm ở đây cũng không kém gì chuyện "bố chồng dính nàng dâu phải cấp cứu" và cuối cùng thì phải đính chính. Đó là sự thiếu trách nhiệm của cả người viết lẫn tòa soạn.
Kết thúc bài báo tác giả viết: Trên tinh thần cầu thị, chúng tôi rất mong nhận được sự phản hồi của các bạn dù đồng tình hay phản đối. Xin hỏi tác giả có biết chuyện trong sữa có đỉa đã gây thiệt hại bao nhiêu cho ngành sữa Việt Nam không? Không thể cứ viết sai rồi đính chính.
Nên chăng tác giả Bùi Hoàng Tám cần có sự giải thích về số liệu trong bài báo này?
Sự kiện "trợ cấp thâm niên" một lần nữa cho thấy cách nhìn lệch lạc về đãi ngộ đối với nhà giáo của cả người trong ngành lần người ngoài ngành. Cách nhìn ấy không những không phù hợp với Luật Người cao tuổi mà còn đi ngược với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Cải cách GD sẽ không bao giờ đạt được kết quả nếu người thầy không được đặt vào vị trí trung tâm. Người thầy không tự rèn luyện để xứng đáng, đó là lỗi rất lớn, nhưng nếu ở tầm cao hơn chúng ta xem nhẹ vai trò của người thầy thì đó là lỗi không thể tha thứ.
Người viết chỉ muốn nhắc lại điều này: Xin đừng làm tổn thương các nhà giáo.
------------
[1] Nghị định số 54/2011/NĐ-CP giải quyết chế độ thâm niên cho các giáo viên, nghị quyết 21/2011/ QH13 Quốc hội liên quan đến vấn đề thâm niên đối với giáo viên nghỉ hưu.
[2] Kinh phí trợ cấp thâm niên có thực sự là... thâm niên?, Giaoduc.net, 07/10/2012.
[3] Lương giáo viên - Một cách nhìn khác! Blog24/7 Dân trí . Thứ 5 11/10/2012