Học trò của mình đang dạy có thật sự giỏi hay không, giỏi ở mức độ nào – vấn đề này, tôi tin tất cả các thầy cô giáo chân chính và có trách nhiệm là người hiểu rõ hơn ai hết.

Du học sinh 'nói thật', phụ huynh Việt đau đầu

Bố mẹ Việt đang tước... 85% cơ hội thành công của con!

Buộc con học giỏi vì bố mẹ có phải... thi đâu?

Học sinh Việt Nam hãy bớt... giỏi đi!

1. Hiện nay, có ý kiến cho rằng, học sinh ở VN sao mà “giỏi” quá, có người còn mong “các em bớt... giỏi” đi. Tôi hiểu suy nghĩ này. Thật ra, đây là ý kiến thể hiện sự trăn trở và lo lắng rất chính đáng trước tình trạng có học sinh ở Việt Nam tuy được đánh giá “giỏi” nhưng cái “giỏi” ấy nhiều khi không thật và chỉ có giá trị trong một không gian, môi trường nhất định nào đó (một trường, một địa phương hay cùng lắm chỉ giỏi ở trong nước) và còn nhiều chuyện khác nữa...

Quả thật chính tôi trước đây cũng đã từng có suy nghĩ như vậy. Vì sao? Vì trong một thời gian dài, nền giáo dục của chúng (như nhiều người đã nói) chỉ chú trọng việc nhồi nhét kiến thức suông và một chiều nhằm đáp ứng cho những kỳ thi của các em học sinh là chủ yếu. Cả một hệ thống giáo dục chỉ “say sưa” với cách đánh giá học sinh nào nhớ được, biết được nhiều “kiến thức” mang tính hàn lâm sẽ được xem là “giỏi”, là “xuất sắc”...

Nói đâu cho xa hãy nhìn lại hầu hết các cuộc thi game show dành cho học sinh trên sóng truyền hình thời gian sẽ thấy. Hầu hết trong các cuộc thi như này đa phần học sinh chỉ mới “giỏi” hay “xuất sắc” (vốn đã được các giáo viên ở phổ thông rèn đi rèn lại rất nhiều lần) thông qua những câu hỏi kiểm tra trí nhớ và phản ứng nhanh nhạy là chủ yếu. Những câu hỏi mang tính vận dụng nhằm phát huy “năng lực” sáng tạo, sự độc lập trong suy nghĩ hay khả năng phản biện để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống thật sự rất hiếm thấy, thậm chí là không có.

{keywords}
Xin đừng nói "Học sinh VN hãy bớt giỏi đi". Ảnh minh họa

2. Tuy vậy, bình tĩnh suy xét lại, tôi cho rằng nhìn một cách tổng thể thì thật ra vấn đề không hẳn như vậy.

Chuyện Việt Nam có nhiều học sinh “giỏi” quá theo tôi vẫn không phải hiện tượng có tính phổ biến. Nói chính xác hơn thì đây là hiện tượng chủ yếu diễn ra ở những cấp bậc từ mẫu giáo đến tiểu học là chủ yếu; còn ở cấp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học thì hiện tượng trên là không nhiều nếu so với mấy triệu học sinh trên cả nước hiện nay.

Có thể nói, hiện tượng học sinh Việt Nam “giỏi đều” và “giỏi nhiều” chủ yếu chỉ xảy ra ở các trường phổ thông đóng ở khu vực các đô thị lớn; ở những ngôi trường được gắn mác “trường điểm”, “trường đạt chuẩn quốc gia” và nhất là “trường chuyên”... nào đó mà thôi.

Có lẽ, không nói thì mọi người cũng biết, thành tích học tập của các học sinh nơi này hầu hết đều “giỏi” bởi vì trước hết nó xuất phát từ ý chí và nguyện vọng của ban lãnh đạo nhà trường ( họ sợ mất uy tín và thương hiệu của trường), thứ nữa là do nguyện vọng của các phụ huynh học sinh có con em theo học ở đó.

Vì thế, nếu loại bỏ các “trường điểm” này ra thì nhìn chung tỉ lệ học sinh viên Việt Nam được đánh giá và xếp loại giỏi là không nhiều nếu không muốn nói là ít.  

Một vấn đề quan trọng khác, cần phải thấy rằng, trong giáo dục phổ thông, việc nhận xét đánh giá học sinh thông qua hình thức khen thưởng của các thầy cô giáo sẽ tác động rất mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển tâm lý, tính cách của học sinh về sau. Đặc biệt là đối với các em học sinh ở cấp mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở thì càng phải thận trọng hơn nữa.

Nếu chúng ta không thận trọng hay vì “tiết kiệm” một từ “giỏi” ghi trong lời phê cho một bài kiểm tra, ghi vào sổ học bạ, sổ liên lạc đối với một học sinh nào đó có khi chúng ta sẽ vô tình gieo vào đầu các em những hạt mầm định kiến mà chúng ta không lường hết được. Đó có thể là hạt mầm về sự mặc cảm tự ti, hạt mầm về sự nghi ngờ (lòng bao dung, rộng lượng của các thầy cô giáo) đưa đến thái độ buông xuôi, mất niềm tin, không còn động lực để học tập, phấn đấu nơi các em...

Tuy vậy, nói như thế không có nghĩa là chúng ta cứ ban phát lời khen hay đánh giá “giỏi” với học sinh một cách vô tội vạ. Vì chỉ cần trao nhầm một tờ giấy khen cho người không đáng khen cũng là đang gieo một hạt mầm ảo tưởng về bản thân vào đầu của các em rồi.

Nhìn nhận vấn đề như trên để thấy rằng trong hoạt động giáo dục vấn đề đánh giá học sinh là vấn đề cực kỳ quan trọng và vô cùng khó khăn. Vấn đề này chỉ có người trong cuộc, trực tiếp đứng lớp giảng dạy học sinh mới có thể thấu hiểu. Học trò của mình đang dạy có thật sự giỏi hay không, giỏi ở mức độ nào – vấn đề này, tôi tin tất cả các thầy cô giáo chân chính và có trách nhiệm là người hiểu rõ hơn ai hết. Có điều trong hoàn cảnh và điều kiện của nền giáo dục nước nhà hiện nay, việc đánh giá này có thật sự công tâm và công tâm đến mức nào là điều mà không phải lúc nào cũng trùng với ý chí và nguyện vọng của các thầy cô giáo.

Chúng ta nhất định phải nhìn nhận vấn đề như vậy để thấy rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào thì theo tôi, những người với tư cách là những thầy cô giáo, những người đang đứng trên bục giảng làm nhiệm vụ “trồng người” xin đừng bao giờ nói câu “muốn các em học bớt giỏi đi”. Giáo dục và trách nhiệm của các thầy cô giáo là phải mang lại niềm vui cho học sinh vì thế, chúng ta không được phép làm các em nhụt chí.

3. Tóm lại, trong vấn đề này theo tôi, tỉ lệ giỏi của học sinh ở Việt Nam hiện nay là không nhiều (có chăng tỉ lệ này chỉ phổ biến ở các “trường điểm”, “trường chuyên”). Còn “giỏi” như thế nào thì theo tôi học sinh Việt Nam chỉ “giỏi” ở mảng “kiến thức suông”; ở trí nhớ tốt chứ không giỏi ở mảng kiến thức có tính vận dụng, ứng dụng, thực hành trong cuộc sống trong những hoàn cảnh cụ thể. Và để thay đổi và cải thiện vấn đề này, nền giáo dục của chúng ta sắp tới đây phải nghiêm túc nhìn nhận và triệt để thay quan niệm về giáo dục. Nói như nhà bác học nổi tiếng Einstein:

 “Mục tiêu của nhà trường là đào tạo nên những cá nhân tự hành động và tư duy nhưng biết nhìn thấy trong việc phục vụ xã hội nhiệm vụ cao cả nhất của cuộc đời”. Vì “một tính cách tốt và vững vàng có giá trị hơn khả năng hiểu biết và sự uyên bác”.

Cho nên, trong giáo dục việc “dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó anh ta có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện…. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người, với đồng loại của mình và với cộng đồng.”[1]

Nguyễn Trọng Bình

----------------

Chú thích:

[1] “A. Einstein – Thế giới như tôi thấy”. NXB Tri thức, 2011