Liên quan đến vụ án, bà Trần Thị Hạnh (Phó TGĐ Công ty TNHH Kiểm toán TTP) bị đại diện VKS đề nghị tuyên phạt mức án 6-7 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bào chữa cho bà Hạnh, luật sư đề nghị HĐXX xem xét đến việc bị cáo có vai trò thứ yếu. Theo luật sư, hành vi của bị cáo Hạnh không phải là nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết lừa đảo. Bản thân bà Hạnh không được hưởng lợi ích kinh tế.
Được quyền tự bào chữa, bà Hạnh vừa khóc vừa trình bày, mong HĐXX cho bị cáo được hưởng khoan hồng để có cơ hội chăm sóc 3 con nhỏ.
Bị cáo Phạm Thị Hải Ninh (nguyên Phó Ban đầu tư, Tập đoàn FLC) bị đại diện VKS đề nghị tuyên phạt mức án 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư của bà Ninh đề nghị HĐXX xác định hành vi của bị cáo là giản đơn. Tự bào chữa cho mình, bị cáo Ninh không cầm được nước mắt, trình bày việc có 2 con nhỏ, đang trong quá trình ly hôn, nếu tù tội sẽ bị mất quyền nuôi con.
Bào chữa cho ông Trần Đắc Sinh (nguyên Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM), luật sư nhắc đến nguyên nhân, bối cảnh phạm tội của bị cáo.
Trước đó, bị cáo Sinh bị đại diện VKS đề nghị tuyên mức án 8- 9 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong vụ án này, ông Trầm Tuấn Vũ (nguyên Phó TGĐ Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đại diện VKS đề nghị tuyên mức án 6-7 năm tù.
Bào chữa cho ông Vũ, luật sư cho rằng, mức hình phạt mà đại diện VKS đưa ra là quá nghiêm khắc. Theo luật sư, hồ sơ của công ty Công ty Faros được chuyển sang Trung tâm lưu ký chứng khoán để đăng ký lưu ký trước khi được xem xét niêm yết trên sàn chứng khoán.
Quá trình các cơ quan chức năng xem xét thay đổi đăng ký kinh doanh, chuyển Công ty Faros thành công ty đại chúng và đăng ký lưu ký chứng khoán thì Công ty này đã hoàn thiện hồ sơ tăng vốn ảo, rất chặt chẽ, đầy đủ… Đây là lý do khiến ông Vũ khó phát hiện ra sai sót trong hồ sơ tăng vốn của Faros.