- Đã là NSND ai cũng hiểu đó là cống hiến của nghệ sĩ đã lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân, được khán giả yêu mến, đồng nghiệp công nhận. Nhưng lâu nay, các nghệ sĩ muốn lên NSND lại phụ thuộc vào những tấm huy chương ở các kỳ hội diễn. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Chúng ta đang phong nghệ sĩ của nhân dân hay nghệ sĩ của những tấm huy chương?


Bộ VHTT&DL vừa công bố danh sách những nghệ sĩ được phong tặng NSƯT, NSND đợt 8 để công khai lấy ý kiến của dân. Sau 15 ngày kể từ ngày công bố, Hội đồng xét duyệt cấp Bộ sẽ có kết quả chính thức. Tuy nhiên, khi chưa có danh sách này thì dư luận đã nóng lên về chuyện nhiều người bị đánh trượt, một số được cho là chưa xứng đáng thì lên NSND.

Nhiều huy chương là vàng vớt

Theo một nghệ sĩ đang làm quản lý một đơn vị văn hóa nghệ thuật truyền thống  (xin giấu tên) thì cơ chế của việc xét duyệt danh hiệu hiện nay còn quá nhiều bất cập. "Tại sao chúng tôi cống hiến cả đời, tại sao những ghi nhận mấy chục năm làm việc của chúng tôi lại chỉ dựa vào 15 người ngồi trong Hội đồng xét duyệt. Nghệ sĩ của nhân dân thì phải để cho dân bầu chứ! Bây giờ thời đại công nghệ thông tin, chỉ cần một cái click chuột, dân sẽ được nêu quan điểm của mình ngay, tại sao không làm thế?".

Theo chị, nhiều nghệ sĩ cảm thấy rất xấu hổ với đồng nghiệp và cả học trò của mình. "Nếu thẳng thừng ra, chúng tôi còn là thầy của một vài NSND mới được phong tặng, bởi chúng tôi hàng ngày ngoài biểu diễn cống hiến còn làm công tác đào tạo cho các thế hệ học trò. Chúng tôi lui và hậu trường, không thi thố lấy huy chương để dành cho các thế hệ đàn em có cơ hội cọ xát, lấy kinh nghiệm biểu diễn. Đó là chưa kể các kỳ hội diễn, huy chương vàng không hẳn là vàng mười mà là vàng vớt. Hội đồng chấm giải vì nể nang người này người kia nên lẽ ra nên chấm giải bạc thì cố gắng vớt lên giải vàng. Nhiều người vì thế mà đủ huy chương, đủ tiêu chuẩn xét NSND. Tôi cho rằng NSND đó cũng chỉ là NSND vớt mà thôi", nghệ sĩ này bức xúc.

{keywords}
Chí Trung trượt danh hiệu NSND

NSƯT Chí Trung

Theo ý kiến của nghệ sĩ này, nên thành lập một Hội đồng xét duyệt với 3 bề 4 bên tham gia, có cả sự chứng kiến của cơ quan truyền thông. NS được đứng ra bảo vệ, phản biện lại những ý kiến tại sao tôi lại bị 'đánh trượt' ra khỏi danh sách xét duyệt...

"Nhiều tiêu chí không rõ ràng mơ hồ. Chẳng hạn, có nhiều người đủ huy chương rồi nhưng sức lan tỏa không nhiều thì đánh trượt. Vậy tại sao những nghệ sĩ dù thiếu 1/3 huy chương vàng thôi mà rõ ràng người ta được rất nhiều khán giả gần xa yêu mến lại không xét yếu tố này mà lại dập khuôn vào mấy cái huy chương", nghệ sĩ này đặt câu hỏi.

NSƯT Chí Trung không buồn khi không được xét tặng NSND lần này nhưng anh thấy tiếc vì nếu việc xét tặng danh hiệu được tiến hành một cách công bằng, nó sẽ chứng tỏ những người tốt, những người đang lao động hăng say, có cống hiến cho xã hội sẽ được ghi nhận.

Là diễn viên sân khấu nhưng NSƯT Minh Hằng cũng "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" và nhận được tình cảm của công chúng. Theo nữ nghệ sĩ, việc cần làm bây giờ là cần đánh giá lại năng lực của những người có trong Hội đồng cấp Bộ chứ không phải năng lực của nghệ sĩ. Bởi theo chị, nghệ sĩ chỉ có nhân dân, khán giả đánh giá là công tâm nhất.

Không ý kiến mới là lạ

Đó là khẳng định của NSND Lê Tiến Thọ, người đã 7 lần có mặt trong Hội đồng xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND cho các nghệ sĩ.

Theo ông, nếu chỉ theo các tiêu chí xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT như: Trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ…. thì có lẽ các nghệ sĩ như Chí Trung, Minh Hằng, Kim Cương... có thừa. Nhưng tiêu chí về huy chương lại bị bó hẹp nên mới nảy sinh những tranh luận thắc mắc.

Theo NSND Thế Anh, các tiêu chí nghị định đưa ra còn khá chung chung, khó áp dụng. Tuy nhiên ông cũng cho rằng, nhiều nghệ sĩ có vẻ “kiêu”, sống ngoài tập thể.

{keywords}

Diễn viên Minh Hằng cũng không được xét NSND đợt này.

NSND Quốc Trị cho rằng nếu theo tiêu chí được nhân dân mến mộ, lan tỏa trong công chúng thì lại khó cho những nghệ sĩ mà theo đuổi nghệ thuật truyền thống. "Công chúng đang đánh giá sự cống hiến của nghệ sĩ qua tần suất họ xuất hiện. Những nghệ sĩ chèo, tuồng, múa rối ít được tiếp cận với công chúng nhưng sự cống hiến của họ cho nghệ thuật rất lớn. Họ thường tiên phong đi đến vùng xâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để biểu diễn phục vụ nhân dân.

"Họ lại không muốn và không hay xuất hiện trên truyền thông, trên các chương trình gameshow này nọ, họ chỉ diễn và diễn thôi thì thiệt thòi quá", NSND Quốc Trị nói.

NSND Bùi Đắc Sử lại cho rằng, thời điểm này so với 10 năm trước khi ông được xét NSND đã là 'mở' lắm rồi. Trước quy định sau ưu tú phải 10 năm, 20 năm mới được xét tiếp NSND thì nay chỉ cần 1 HCB, 2HCB là đã đủ để xét NSƯT, sau  NSƯT mà có thêm 2 HCV nữa là được xét NSND.

Khi phóng viên hỏi về tiêu chí như sức lan tỏa, đạo đức con người...có vẻ mơ hồ và sẽ gây tranh cãi, NSND Bùi Đắc Sử trả lời tiêu chí này lại phụ thuộc vào tài của từng thành viên, do trình độ thẩm định của từng thành viên. "Có thể một nghệ sĩ được khán giả cho là hát hay, dễ nghe, nhưng với những người có chuyên môn, đòi hỏi phải nhiều hơn thế, chúng tôi nhìn ra sự giả tạo trong diễn xuất của những nghệ sĩ hơn là cái mà khán giả nhìn thấy là hát hay, hát được".

Nhưng cũng tiêu chí về sức lan tỏa này được cho là rất 'mù mờ'. "Theo quy định, NS phải được 90% số phiếu ủng hộ thì mới được công nhận NSND nếu đã hoàn thiện hồ sơ. Chẳng hạn một người ngồi Hội đồng đại diện cho ngành A, nói cô NS kia không được, không bỏ phiếu vì tôi quá rõ cô đó, cô đó thuộc ngành của tôi. Hội đồng phải tin người ta chứ, nhưng họ đâu có biết vì tình riêng mà cố 'đánh trượt'. Rồi người này lại kéo thêm 1 đồng minh nữa, như vậy chúng tôi mất 2 phiếu, thế là trượt chắc rồi còn gì", một nghệ sĩ bức xúc.

T.Lê