Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa công bố dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để lấy ý kiến, trong đó có nhiều nội dung được điều chỉnh.
Đáng chú ý, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án quy định về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Phương án 1, Bộ LĐ-TB&XH bổ sung vào Bộ Luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân. Quy định thời gian làm việc này không áp dụng với những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân.
Phương án 2, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định).
Đề xuất công chức làm việc từ 8 giờ 30, nghỉ trưa chỉ 1 giờ (Ảnh minh họa) |
Lý giải cho việc đề xuất điều chỉnh thống nhất giờ làm việc trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện tại việc quyết định thời điểm bắt đầu làm việc của doanh nghiệp thì do doanh nghiệp quyết định; của cơ quan hành chính thì do người đứng đầu cơ quan quyết định đúng theo thẩm quyền lãnh đạo, điều hành quy định tại Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, giờ làm việc trong các cơ quan Nhà nước hiện nay đang gặp một số tồn tại như không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan trung ương và địa phương (các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8 giờ, trong khi đa số các địa phương bắt đầu từ 7 giờ vào mùa hè hoặc 7 giờ 30 với mùa đông), trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng có sự khác nhau; chưa đảm bảo sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương; chưa phù hợp xu thế chung của các nước phát triển.
Đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8 giờ 30 đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.Nhiều chuyên gia cũng đưa ra ý kiến về việc này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nêu quan điểm trên báo Thanh Niên: "Trên thế giới cũng như châu Á, hầu hết các nước bắt đầu giờ làm việc ở cơ quan hành chính, khối văn phòng, cơ sở giáo dục từ 8 giờ 30 hoặc 9 giờ; thời gian nghỉ trưa là 1 giờ. Thông tin tổng hợp cũng cho thấy đất nước có thời gian nghỉ trưa kéo dài có năng suất làm việc thấp hơn các nước khác trong cùng khu vực. Trong cùng một đất nước, vùng có thời gian nghỉ trưa dài hơn thì kinh tế cũng kém phát triển hơn vùng còn lại.
Thực tế ở Việt Nam, hiện nay thời gian bắt đầu làm việc thường là từ 7 giờ hoặc 7 giờ 30 đến 17 giờ. Thời gian nghỉ trưa từ 1 giờ 30 phút đến 2 giờ. Theo tôi, nếu các nước đã nghiên cứu và áp dụng giờ làm hợp lý thì chúng ta cũng cần nghiên cứu để xem khung giờ làm việc hiện nay đã tối ưu chưa, hay cần thay đổi.
Qua tính toán các khung giờ để áp dụng cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, giờ làm việc sẽ bắt đầu từ 8 giờ 30, kết thúc lúc 17 giờ, thời gian nghỉ trưa là 1 giờ. Riêng doanh nghiệp nhà nước sẽ tự quyết định giờ làm cho phù hợp với từng đơn vị".
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu cho hay tại Mỹ, giờ làm việc của cơ quan hành chính do các tiểu bang tự quyết định và không có giờ thống nhất. Các cơ quan hành chính bao giờ cũng làm việc sớm hơn so với các cơ quan khác. “Ở VN, mỗi địa phương có điều kiện sinh hoạt riêng. Những tỉnh ở vùng sâu vùng xa có xu hướng dậy sớm và về sớm. Còn ở TP, thời gian bắt đầu muộn có thể tránh được kẹt xe. Bộ LĐ-TB-XH đề xuất thống nhất giờ làm chung là không nên. Giờ làm việc từ 8 giờ 30 là quá muộn. Vấn đề này để cho các cơ quan ở địa phương thống nhất, họ sẽ biết thời gian bắt đầu và kết thúc như thế nào cho phù hợp nhất”, chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu cho biết trên báo Thanh Niên.
TS Trịnh Hòa Bình, Phó tổng thư ký Hội Xã hội học VN, phân tích trên báo này: “Chúng ta muốn quy định có tính đồng đều nhưng thực tế thời tiết, ánh sáng, không khí, nhiệt độ… ở các vùng miền khác nhau. Trước đây, giờ Hà Nội và TP.HCM chênh nhau 1 tiếng, giờ làm từ 8 giờ 30 có thể hợp với Hà Nội nhưng các tỉnh phía nam lại không vì quá muộn. Ngay các địa phương đi làm 8 giờ 30 cũng là vô lý. Bây giờ người ta làm việc bằng mạng nhiều chứ không nhất thiết phải đến chầu chực ở cơ quan hành chính công, nên để địa phương tự điều tiết như hiện nay sẽ phù hợp hơn”.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)