Việt Nam coi trọng hợp tác với Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền và coi đây là cơ chế hiệu quả để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nước.

Thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế

Trong những năm gần đây, đối ngoại đa phương Việt Nam ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, nâng tầm cả ở cấp khu vực, liên khu vực và quốc tế. Đặc trưng nổi bật của đối ngoại đa phương Việt Nam là luôn có sự kết hợp khéo léo và đồng bộ giữa ngoại giao Nhà nước, trong đó có Quốc hội, với đối ngoại Đảng và ngoại giao nhân dân.

{keywords}
Ảnh minh họa

Đứng trước yêu cầu trong tình hình mới, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đây là văn bản chỉ đạo đầu tiên của Đảng ta về công tác đối ngoại đa phương của đất nước, đưa đối ngoại đa phương thành một nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Trên tinh thần đó, mục tiêu đối ngoại đa phương trong thời gian tới của nước ta chính là “nỗ lực vươn lên đóng góp vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược với đất nước”.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam đã chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” đến “chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, góp phần giúp Việt Nam khẳng định là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Việc Việt Nam ứng cử và được đảm nhận cương vị Chủ tịch Đại Hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) giai đoạn 2018 - 2019 là một trong những bước hiệu quả triển khai Chỉ thị số 25.

Với vai trò là Chủ tịch Đại Hội đồng WIPO, ta đã thúc đẩy WIPO hỗ trợ nhiều dự án hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, như dự án hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các nghĩa vụ thành viên của WIPO, cải tiến việc cung cấp các số liệu thống kê để xây dựng báo cáo quốc gia về Đổi mới sáng tạo cũng như xây dựng các biện pháp chính sách để tăng cường công tác Đổi mới sáng tạo của quốc gia. Trong một phần tư thế kỷ gắn bó với ASEAN, Việt Nam luôn tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm và để lại nhiều dấu ấn quan trọng.

{keywords}
Ảnh minh họa

Năm 2020, Việt Nam vinh dự đảm nhiệm những trọng trách lớn ở cả tầm khu vực và quốc tế, trong đó nổi bật là vai trò Chủ tịch ASEAN. “Đây là cơ hội để Việt Nam đóng góp thực chất và nhiều hơn nữa vào phát triển Cộng đồng ASEAN hài hòa, tự cường, sáng tạo, gắn kết, bản sắc, trách nhiệm và có khả năng thích ứng cao” - phát biểu về Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Từ ngày 1/1/2020, Việt Nam cũng đã chính thức đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Với chủ đề “Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững”, Việt Nam còn đề ra 7 ưu tiên của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Đóng góp thực chất liên quan đến quyền con người

Tại các diễn đàn từ Hội đồng Nhân quyền, Ủy ban Các vấn đề nhân quyền, xã hội (Uỷ ban 3), Hội đồng Kinh tế xã hội (ECOSOC), Việt Nam luôn phối hợp tích cực với các nước đang phát triển, các nước đồng quan điểm đấu tranh bảo vệ những nguyên tắc cơ bản trong tiếp cận về quyền con người, đó là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không chính trị hóa vấn đề quyền con người.

Với cách tiếp cận đó, Việt Nam không ủng hộ các nghị quyết về tình hình nhân quyền tại một nước cụ thể, ví dụ như nghị quyết về tình hình nhân quyền ở Mianma, Triều Tiên, Phillipine, Iran… Việt Nam tin rằng đối thoại và hợp tác mới là cách thức hiệu quả khi xem xét các vấn đề về quyền con người, chứ không phải chỉ trích lẫn nhau hay gây sức ép, chính trị hóa quyền con người.

Trong thảo luận về các nội dung chuyên đề tại các diễn đàn về quyền con người, Việt Nam ủng hộ bảo đảm cách tiếp cận toàn diện và cân bằng giữa các nhóm quyền, nhất là khi nhiều nước phương Tây luôn có xu hướng coi trọng hơn các quyền dân sự, chính trị so với các quyền khác. Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các nước đang phát triển để thúc đẩy các nhóm quyền ưu tiên, đặc biệt liên quan đến quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; nhấn mạnh vấn đề quyền con người cần được xem xét trên cơ sở tôn trọng những yếu tố đặc thù của mỗi quốc gia về lịch sử, văn hóa, trình độ phát triển. Từ sự tôn trọng đó, các quốc gia mới có thể thấu hiểu và không áp đặt các tiêu chuẩn lên quốc gia khác, dù đó là vấn đề xóa bỏ án tử hình, hôn nhân đồng giới hay tự do ngôn luận trên không gian mạng…

{keywords}
Ảnh minh họa

Cùng với việc bảo đảm các nguyên tắc trên, Việt Nam đang nỗ lực để có thể giữ vai trò nòng cốt và dẫn dắt trên nhiều nội dung tại các diễn đàn về quyền con người, nhất là với việc tiếp tục giới thiệu và duy trì các sáng kiến.

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cũng là thành viên tích cực chủ trì nhiều hoạt động trong khuôn khổ ASEAN về quyền con người, trong đó có Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) và Ủy ban ASEAN về thúc đẩy bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em (ACWC). Việt Nam đăng cai tổ chức Hội thảo AICHR về thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ thông qua công nghệ thông tin (tháng 11/2019), Hội nghị về thúc đẩy phát triển trẻ em châu Á - Thái Bình Dương (tháng 12-2019). Đặc biệt, chuẩn bị cho nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, trong năm 2019 Việt Nam tích cực nghiên cứu, chuẩn bị cho sự tham gia tại đề mục “Phụ nữ, hòa bình và an ninh” của HĐBA. Trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã chủ trì giới thiệu và thúc đẩy thông qua Nghị quyết 1889 của HĐBA về vai trò của phụ nữ trong giai đoạn hậu xung đột.

Tại các diễn đàn LHQ cũng như các diễn đàn khu vực liên quan đến quyền con người, sự tham gia của Việt Nam ngày nay không chỉ dừng lại ở mức độ thông tin đến cộng đồng quốc tế về chính sách, pháp luật và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người. Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Việt Nam đã từng bước đóng góp thực chất hơn vào các diễn đàn, bằng cách chia sẻ cách tiếp cận và kinh nghiệm của Việt Nam, chủ động đóng góp trách nhiệm vào những vấn đề cộng đồng quốc tế quan tâm, cũng như sẵn sàng đóng vai trò nòng cốt, sẵn sàng làm cầu nối, trung gian hòa giải khi cần thiết.

Thủy Nguyễn