Phát biểu tại hội nghị toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019, triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban chỉ đạo 138 và Ban chỉ đạo 389, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Cục trưởng Cảnh sát kinh tế (C03 - Bộ Công an) nêu một số đường dây của nhóm tội phạm buôn lậu nổi cộm thời gian qua.

Cụ thể như đường dây buôn lậu điện thoại theo hàng không hoặc thành lập các công ty hoạt động buôn lậu như Nhật Cường ở Hà Nội, C03 đã chỉ đạo các địa phương cùng tham gia điều tra, xử lý.

{keywords}
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế

Ngoài ra, Công an Đắk Nông phối hợp với Bộ Công an phá đường dây sản xuất xăng giả của Trịnh Sướng ở Sóc Trăng. C03 phối hợp cùng các lực lượng địa phương triệt phá đường dây buôn lậu đường ở An Giang...

Ông Ngọc cũng nêu một số tồn tại như có dấu hiệu bảo kê, tiêu cực của lực lượng chức năng. "Chúng tôi thống kê 25 địa phương có biên giới vùng biên trong 6 tháng đầu năm, chỉ có 6 địa phương khởi tố án buôn lậu".

Báo cáo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng cho biết, trong thời gian qua, Trưởng ban chỉ đạo trực tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo những vụ việc nổi cộm. Trong đó có việc xem xét làm rõ trách nhiệm của các lực lượng chức năng để xảy ra các vi phạm kéo dài như vụ việc công ty Nhật Cường tại Hà Nội, vụ xăng giả Trịnh Sướng ở Sóc Trăng.

Trang bị súng đi buôn lậu xăng dầu

Đại tá Trần Văn Nam, Phó tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Cảnh sát biển đã bắt giữ và xử lý 21 tàu, thu giữ 1,7 triệu lít dầu DO và lượng lớn xăng A95 buôn lậu.

Lực lượng vừa thu giữ được cả súng máy đầy ắp băng đạn để trên các tàu buôn lậu xăng dầu tại vùng biển biên giới Tây Nam. Ngoài ra còn có các thiết bị quan sát, thiết bị vệ tinh để tránh cơ quan chức năng từ xa.

Hầu hết các vụ phát hiện bắt giữ này là vùng biển xa, có vụ trên 100 hải lý với các tàu nhiều quốc tịch.

Ông Nam đánh giá, tình hình buôn lậu vẫn rất phức tạp, các đối tượng buôn lậu xăng dầu chuẩn bị rất kỹ và sẵn sàng để đối phó với cơ quan chức năng, thậm chí dùng cả súng. Không những tàu chở hàng mà nhiều tàu cá cải hoán cũng tham gia buôn lậu xăng dầu.

Do đó, nếu không có kế hoạch đối phó, chủ động trấn áp sẽ thương vong trong đấu tranh chống buôn lậu.

Giá xăng dầu lậu giao dịch trên biển chỉ bằng 2/3 giá bán lẻ trong bờ, trong khi nhu cầu của tàu đánh bắt tăng nên các đối tượng buôn lậu lợi dụng để bán trực tiếp cho ngư dân với số lượng lớn.

Ông Nam cũng nêu khó khăn, nếu không bắt quả tang và không chứng minh được tính liên tục trong quá trình truy đuổi thì rất khó xử lý khi tàu truy đuổi chạy sang nước ngoài. Chính vì vậy, các tàu thường chạy qua vùng biển giáp ranh gây ra nhiều khó khăn cho công tác phát hiện xử lý.

Phó tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng nêu vướng mắc về pháp luật, tội buôn lậu theo bộ luật Hình sự có yếu tố vận chuyển qua biên giới. Cho nên vụ việc nếu xảy ra trong vùng biển đặc quyền 200 hải lý của Việt Nam nếu bắt được quả tang cũng chỉ xử lý hành chính.

Đại tá Trần Văn Nam đề nghị cần có hình phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm. Ngoài xử phạt hành chính, cần tịch thu tang vật và xem xét rút giấy phép khai thác có thời hạn đối với tàu cá buôn lậu xăng dầu.

Tổng cục trưởng Hải quan: Sẽ làm kỹ cơ sở pháp lý vụ Asanzo

Tổng cục trưởng Hải quan: Sẽ làm kỹ cơ sở pháp lý vụ Asanzo

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định có đủ cơ sở để xử lý vụ Asanzo và trong 2 tuần nữa Hải quan sẽ đưa ra kết luận về vụ việc này.

Thu Hằng