Tại Việt Nam, việc ứng dụng chữ ký số đang được biết đến là công nghệ tiên tiến góp phần đẩy nhanh các giao dịch qua mạng với độ an toàn, bảo mật thông tin cao, quyết định tương lai của thương mại điện tử và Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Thế nhưng, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này thì sự phát triển của chữ ký số cũng như dịch vụ chứng thực chữ ký số tại Việt Nam hiện mới còn đang ở dạng tiềm năng, thậm chí sau gần 7 năm, việc triển khai cơ sở hạ tầng khóa công khai (PKI) và chứng thực điện tử (CA) ở Việt Nam vẫn còn được đánh giá là quá chậm chạp so với sự phát triển.
Chính vì thế, với sự kiện Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông CK được Bộ TT&TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng hôm 28/6 vừa qua (nâng số doanh nghiệp được Bộ TT&TT cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng lên con số thứ 6, cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Công ty Công nghệ thẻ Nacencom, Công ty An ninh mạng Bkav, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Công ty Hệ thống thông tin FPT – FIS), thì một lần nữa, vấn đề "cần làm gì để thúc đẩy sự phát triển ứng dụng chữ ký số" tiếp tục được đặt ra cho các doanh nghiệp.
Đưa ra gợi ý cho việc “tăng tốc”, tại lễ cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông CK, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cho rằng các doanh nghiệp như CK cần sớm nghiên cứu, đề xuất hợp tác cùng các doanh nghiệp khác ở Việt Nam để thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc thành lập Hiệp hội này sẽ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các doanh nghiệp cũng như đảm bảo việc triển khai đồng bộ dịch vụ này giữa các doanh nghiệp tới người dùng, để cùng phổ biến rộng rãi kiến thức về chữ ký số cho cộng đồng, từ đó thúc đẩy nhu cầu ứng dụng.