Cơ quan vũ trụ quốc gia Trung Quốc ra tuyên bố cho biết, tên lửa đẩy Long March 11 cất cánh từ bệ phóng lắp đặt trên một tàu dân sự ở ngoài khơi tỉnh Sơn Đông, trên biển Hoàng Hải hôm nay, 5/6.
Vụ phóng đã đưa thành công 5 vệ tinh thương mại và 2 thiết bị khoa học lên quỹ đạo Trái đất. Trong đó, các thiết bị khoa học dự kiến sẽ làm nhiệm vụ theo dõi các cơn gió trên bề mặt đại dương và dự báo về những cơn bão cũng như những điều kiện thời tiết cực điểm khác.
Theo báo RT, tên lửa Long March 11 dài 20,8 mét, nặng 58 tấn và có thể chuyên chở tới 350kg hàng hóa. Tên lửa đẩy này lần đầu tiên bay vào không gian năm 2015 và kể từ đó đã thực hiện 5 chuyến bay nữa từ trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan ở tây bắc Trung Quốc.
Các quan chức Trung Quốc cho hay, phóng tên lửa không gian trên biển sẽ tiết kiệm chi phí và linh hoạt hơn so với các vụ phóng thông thường trên đất liền. Việc này cũng giúp mang tới dịch vụ hàng không vũ trụ thương mại tốt hơn cho những nước tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Hình ảnh vụ phóng tên lửa không gian ở ngoài khơi tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc hôm 5/6. Ảnh: THX |
Bệ phóng không gian trên biển của Trung Quốc là hệ thống mang tính tiên phong, đầu tiên kiểu này kể năm 2014, thời điểm tên lửa Zenit-3SL do Nga và Ukraina đồng phát triển cất cánh từ một bệ phóng nổi ở Thái Bình Dương. Vụ phóng Zenit-3SL do công ty Sea Launch, một dự án đa quốc gia, quy tụ nhiều công ty đến từ Na Uy, Nga, Ukraina và Mỹ thực hiện.
Kể từ khi được thành lập vào cuối những năm 1990, Sea Launch đã xúc tiến 30 phóng tên lửa không gian ngoài khơi, nhưng liên doanh này đã ngưng các hoạt động như vậy cách đây 5 năm do căng thẳng giữa Moscow và Kiev.
Nhà chức trách Trung Quốc khẳng định, bệ phóng nổi và tên lửa đẩy của họ lần đầu tiên trên thế giới hoàn toàn thuộc sở hữu của một quốc gia. Điều này đồng nghĩa dự án sẽ không chịu tác động của bất kỳ tranh chấp quốc tế nào.
Tuấn Anh