Chỉ còn hơn một tháng tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn, dịch vụ spa "xế cưng" của anh Nguyễn Thắng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) mỗi ngày nhận được gần chục chiếc ô tô do chủ xe mang tới để làm đẹp.
Thông thường, chủ ô tô đến không dặn dò gì nhiều nhưng thợ tại dịch vụ vẫn biết tự tìm cách làm sao cho xe mới nhất có thể. Anh Nguyễn Thắng chia sẻ, để làm sạch "xế cưng", ai cũng có thể tự làm tại nhà nhưng mọi người thường không đủ dụng cụ và hóa chất và nhiều yếu tố khác như ở cơ sở chuyên nghiệp.
Để spa cho một chiếc xe hơi, cần thời gian từ một đến hai ngày tùy theo hạng mục chăm sóc. Trong đó, nội thất là khâu quan trọng nhất. Người thợ sẽ phải hút bụi, vệ sinh, bảo dưỡng, bảo vệ từ ghế da, taplo, tapi cửa, gioăng cao su... và sau đó sục ozone khử mùi.
Đối với các tiệm spa xe, hóa chất để dùng làm sạch và đánh bóng thường là loại thương hiệu Mỹ. Mọi chi tiết nội thất thường được lau kỹ và khá mất công. Mỗi "xế hộp" cần ít nhất hai nhân công mới kịp tiến độ.
Anh Thắng đang thổi bụi cho từng khe nhỏ ngoại thất chiếc Mercedes E300. Mặc dù xe còn khá mới, nước sơn bóng nhoáng, vị khách khó tính của anh vẫn cần sạch sẽ, thơm tho từ trong ra ngoài.
Kiểm tra áp suất lốp cũng là công đoạn nằm trong hạng mục chăm sóc ô tô. Việc duy trì áp suất lốp đúng chuẩn rất cần thiết để đảm bảo hiệu suất vận hành của lốp. Lốp quá non hay quá căng đều có thể gây ra các sự cố như lốp nhanh mòn và nhanh hư. Cách tốt nhất để có thể sử dụng lốp lâu dài là kiểm tra áp suất thường xuyên mỗi tháng.
Với lazang, nếu bẩn hay xước, tróc sơn đều được làm mới. Việc sơn lại cả 4 chiếc mâm là công đoạn cực kỳ đơn giản. Nhiều gara ô tô ở Hà Nội đều làm được và giá chỉ từ 1 triệu đồng cho cả bộ.
Một người thợ đang đánh bóng nước sơn ngoại thất chiếc Mazda CX-5. Anh cho biết, quan trọng nhất là phải kiểm tra bề mặt sơn xem còn nguyên bản hay từng được sơn lại. Sau đó chọn máy đánh bóng nào và dùng xi đánh bóng gì cho phù hợp đều cần người có kinh nghiệm. Ngoài ra, các vết xước đều phải được xử lý, cách làm phải cẩn thận. Đối với dòng xe sang, tiền xe tỷ người thợ càng cần có sự kỹ lưỡng hơn trong quá trình thao tác bởi tỷ lệ rủi ro là vẫn có.
Trước khi dùng máy đánh bóng, người thợ bơm lớp phủ ceramic liquid wax bảo vệ nước sơn.
Một chiếc sedan hiệu KIA khoảng 10 năm tuổi đang được đánh bóng. Để hồi phục lại bề mặt lớp sơn như mới, người thợ cần nhiều thời gian chuẩn bị và phải xử lý khá kỹ.
Khi đánh bóng hiệu chỉnh, mọi vết xước, trầy, vết xoáy,… đều được loại bỏ hoàn toàn.
Nóc xe là vị trí hầu như không có vật gì va chạm vào và nếu có xước cũng khó nhìn thấy nhưng vẫn cần được làm đẹp. Với những xe nào chủ không dán decal nóc, việc đánh bóng sơn càng lâu hơn.
Đánh bóng kính lái là công đoạn không thể thiếu. Qua thời gian sử dụng, kính xe hơi thường bị xước, mờ do nhiều nguyên nhân khác nhau như lưỡi gạt mưa chai cứng, lão hóa, gạt nước khi bụi bẩn bám trên bề mặt kính, sử dụng nguồn nước rửa xe có nhiều cặn khoáng gây tình trạng ố mốc kính.
Ở các vị trí như keo chỉ, ngóc ngách bên trong khoang máy cũng đều được làm sạch từng chi tiết. Các vết như nhựa đường, cặn keo, khoáng, vết bẩn đều phải được đánh bay. Thông thường, khu vực này chứa các vết bẩn cứng đầu và khó vệ sinh.
Trong ảnh, bậc chân lên xuống của một chiếc SUV bắt đầu được kỳ cọ, đánh trắng bằng bàn chải.
Vệ sinh và dưỡng khoang động cơ là hạng mục nhiều người chơi xe thường đắn đo. Có ý kiến cho rằng không nên xịt nước rửa. Cũng có người bày tỏ quan điểm ngược lại là nước dễ len lỏi vào các hệ thống điện gây chập, cháy...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vệ sinh khoang máy là việc làm cần thiết. Khác với bảo dưỡng xe, vệ sinh khoang động cơ một năm nên làm từ 2 - 3 lần. Khi bùn đất, bụi bẩn bám vào bề mặt máy sẽ làm giảm quá trình tản nhiệt, làm máy nóng rất nhanh.
Tác dụng của việc vệ sinh khoang máy là để đảm bảo động cơ được tản nhiệt nhanh hơn, mát hơn trong quá trình vận hành, giúp các chi tiết bên trong được bền và có tuổi thọ lâu. Ngoài ra, việc vệ sinh khoang động cơ còn làm giảm khả năng bị chuột, côn trùng xâm nhập từ bên ngoài vào cắn các dây dẫn nhiên liệu, gioăng cao su, giúp xe vận hành an toàn.
Sau khi xong hết các công đoạn, thợ sẽ lau kính, kiểm tra tổng thể toàn bộ, rửa và xì khô rồi bàn giao ô tô cho khách. Tổng chi phí từ 900.000 đồng đến 4 triệu đồng tùy kích cỡ xe và hạng mục.