Chia sẻ của bạn đọc Trần Văn Tường (TP.HCM) gửi tới diễn đàn “Xem Tây, ngẫm ta” sau chuyến du lịch Thái Lan.

>> Làm giàu kiểu Israel và khát vọng của nguyên Bộ trưởng

Ấn tượng đọng lại trong tôi sau chuyến thăm Thái Lan, đó là đường phố nhiều cây xanh, không chiếm dụng vỉa hè, không thấy rác.

Nữ hướng dẫn viên du lịch người bản địa cho biết trên các tuyến đường mới đều chú trọng trồng cây xanh để điều hòa không khí, giảm tiếng ồn trong giao thông, góp phần hút nước khi trời mưa, tạo sự thân thiện cho môi trường, che mát cho người đi bộ.

{keywords}
Phố phường Thái Lan được tác giả ấn tượng vì sạch. Ảnh minh họa

Quan sát tôi thấy đường phố ở Thái Lan không rộng lắm, có khi còn hẹp hơn ở nước ta. Trên vỉa hè, cây xanh được trồng giữa ranh giới 2 nhà dân. Dưới lòng đường, cây xanh vừa tạo cảnh quan đô thị vừa là dải phân cách để phân luồng cho các dòng xe lưu thông.

Ở Bangkok, nhiều người đi bộ, vỉa hè luôn thông thoáng. Tôi để ý thấy các quán ăn, buôn bán dọc theo tuyến đường đều có khoảng lùi, mặt bằng trống để xe. Có nơi còn vạch ranh giới trên vỉa hè cho người dân kinh doanh, buôn bán. Còn ranh giới dành riêng cho người đi bộ, không được lấn chiếm. Ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.

Chị bạn đồng nghiệp cùng đi cứ thắc mắc: “Sao đường phố có nhiều cây xanh, trang trí đẹp quá. Vỉa hè thì sạch sẽ và thoáng đãng, không bị lấn chiếm, nhiều người đi bộ?”.

Đường phố ở Thái Lan luôn sạch sẽ, không thấy rác. Tôi thắc mắc, nữ hướng dẫn viên du lịch giải thích: “Ở đây, xả rác bị phạt nặng lắm, bị xem là thiếu ý thức. Ai xả rác dễ bị người khác xem thường và lấy hành động đó làm thước đo văn hóa, văn minh. Khi thấy rác trên đường, ai cũng phải có trách nhiệm thu dọn”. Nghe vậy, tôi nói đùa: “Hóa ra bao nhiêu triệu người dân là bấy nhiêu lao công, hèn chi hổng thấy rác trên đường phố”.

Buồn khi ta bị bêu xấu

Phải chăng trong quá trình đô thị hóa chúng ta vô tình làm mất dần mảng xanh, thu hẹp không gian công cộng, ảnh hưởng môi trường sống?

Lâu dần diện tích đất dành cho mảng xanh bị mất cân đối trong quy hoạch, phát triển đô thị. Nên chăng nơi công cộng như vỉa hè, đường phố, bãi đất trống… thay vì bê tông hóa hãy tạo thêm mảng xanh, bồn hoa, thảm cỏ vừa làm đẹp cảnh quan, vừa là nơi thấm hút nước để góp phần giảm ngập.

Đã đến lúc chúng ta phải giải quyết dứt điểm tình trạng chiếm dụng vỉa hè, có chế tài phù hợp, trả lại chức năng phục vụ đi bộ cho vỉa hè.

{keywords}
{keywords}
Rác thái tràn ngập bãi biển, và hình ảnh lấn chiếm vỉa hè ở Việt Nam 

Cần quy hoạch riêng cho các cơ sở kinh doanh buôn bán, chỉ cấp phép khi đủ điều kiện về mặt bằng, hoạt động trong phạm vi cho phép. Vận động chủ hộ có nhà mặt tiền cam kết không lấn chiếm và không cho thuê mặt bằng có sử dụng vỉa hè, kinh doanh buôn bán thì lùi sâu vào bên trong và có chỗ để xe.

Chưa hết, ở ta có nạn xả rác nơi công cộng, khu du lịch. Rác dễ thấy nhất là trên các tuyến đường, để ở vỉa hè có khi bọc bên ngoài bằng bịch nilông và nhiều lúc lăn ra đường bị xe đâm nát gây hôi thối, xấu mỹ quan.

Giải pháp khuyến khích các cá nhân không xả rác bừa bãi, cần cung cấp phương tiện bỏ rác. Hiện trên nhiều tuyến đường, nơi công cộng lại thiếu thùng đựng rác, hoặc thùng đựng rác quá nhỏ và luôn đầy rác. Khi có phương tiện bỏ rác, kèm các quy định cụ thể, làm cho cá nhân xả rác biết mình thiếu tự giác và mặc cảm bởi hành vi đáng phê phán, dần trở thành thói quen không muốn xả rác.

Thật buồn nếu ta bị nói xấu, càng buồn hơn khi thấy hình ảnh bị cho là không tốt ở đất nước mình…

Có dịp đi xa, chứng kiến sự phát triển và ứng xử với môi trường tự nhiên nơi xứ người cũng làm cho mình thổn thức, mong ước. Để có cuộc sống tốt thì phải hành động. Không cách nào khác là phải thay đổi từ bản chất, học hỏi, tự trọng, sống vì môi trường và cộng đồng.

Mời bạn chia sẻ những câu chuyện cảm động, những bài học ý nghĩa... gặp trên đường đi công tác hay du lịch nước ngoài, và cả những ngẫm ngợi của bạn khi nghĩ về Việt Nam. Chia sẻ gửi về [email protected]. Bài viết, câu chuyện phù hợp sẽ được đăng tải

Trần Văn Tường (TP.HCM)