- Ai đó có khi bảo "hâm à mà nói về nhà vệ sinh". Thôi thì hâm một tý theo kiểu ta để nghe câu chuyện có ý theo kiểu Tây vậy.

Nói vậy chứ thời gian qua, mấy thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... chẳng vã mồ hôi vì cái nhà vệ sinh công cộng là gì. Cũng đã tốt lên chút ít. Thỉnh thoảng báo chí đăng ảnh người tè bậy, nghĩ cũng chán, nhưng nghĩ kỹ cũng có chút thông cảm vì khi có cái nhu cầu đó rất khó có nơi vào thể hiện.

Rồi gần đây nhất, mấy lần liền Bộ trưởng Y tế nhắc tới chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện công đã cho thấy đây không hề là vấn đề nhỏ. Vì vậy, hy vọng là biết đâu, xem Tây mà mấy hôm nữa ta tốt lên, được sướng khi nảy sinh cái nhu cầu xưa như trái đất này.

Nếu ta được cải thiện thì nhiều ông Tây vào ta du lịch sẽ không còn băn khoăn đã đi hết mấy cái vịnh nổi tiếng của Việt Nam như  Hạ Long, chỉ còn mỗi cái Vịnh Cam Đai  thấy quảng cáo trên tường nhiều như vậy mà vào  mạng tra hoài không biết ở đâu.

Lại nói chuyện bên Tây. Cách đây 3, 4 năm, cơ quan dân cử của một quận ở Berlin ra nghị quyết sau 3 tháng nữa tất cả các cơ quan công quyền thuộc quận đó  phải có thêm một nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh nước nào theo truyền thống chả có một bên cho nam, một bên cho nữ, nhưng trong thực tế có những người khi có nhu cầu họ không muốn vào bên nam, mà cũng không cả bên nữ, vì họ nghĩ mình không phải nam, cũng chẳng phải nữ.

Những người này muốn có nhà vệ sinh cho riêng mình (sau này có tên là Unisex toilet). Quá chuẩn. Và chính quyền quận đó đã đáp ứng nguyện vọng của họ. Quá hay. Đương nhiên, sẽ phát sinh khó khăn cho chính quyền, mà chủ yếu là địa điểm xây cái Unisex toilet này, tiền nong từ ngân sách, rồi thì nếu quận có bể bơi công cộng hẳn phải có thêm phòng tắm, phòng thay đồ giống như Unisex toilet nữa mới trọn bộ. Dân ở đây đúng là trung tâm phục vụ của hành chính.

Cuối năm 2013, có việc qua Úc, đáp sân bay quốc tế Melbourne, tôi thấy ngay biển chỉ dẫn Unisex toilet. Sau đó, đến Đại học RMIT làm việc, giải lao ra khu vệ sinh cũng lại thấy Unisex toilet.

Vào mạng tìm hiểu thì một số nước như Mỹ cũng đã có nhà vệ sinh kiểu này. Cái nhu cầu nho nhỏ này của con người đã được chú ý, mà chú ý tới cả một lớp người đặc thù trong xã hội. Nó cũng giống như thiết kế đường đi phù hợp cho người ngồi xe lăn, đèn giao thông có phát âm thanh, đường đi có ký hiệu riêng cho người khiếm thị nhận biết... Tính nhân văn trong chính sách nhà nước hiển hiện một cách rõ ràng, cụ thể.

Lại nói chuyện nước Nhật. Nhà vệ sinh ở nước này có thể nói rất được chú ý. Nhà quản lý đô thị, nhà xây dựng đã xuất phát từ con người để làm việc. Có thể nói ngắn gọn khi có nhu cầu, tìm là có. Mà cái cần nhấn ở đây chính là chất lượng nhà vệ sinh, phần lớn là hiện đại, có nước nóng, lạnh, luôn sạch sẽ tạo cảm giác như sử dụng ở nhà riêng của mình.Tương tự như vậy là nhà VS ở nhiều nước như Singapore, Malaysia...

Ta chắc chưa đến mức phải có ngay Unisex toilet, mà cố có cái vệ sinh công cộng nhiều thêm chút. Liệu cái này có trong tầm tay không nhỉ? 

Đường xá bên Tây sao ngon thế, nào ngầm, nổi, trên cao... Bảo ta học, có ngay thì quả là khó thật, vì cần rất nhiều tiền, ta chỉ có thể làm dần. Nhưng cái nhà vệ sinh thì không như vậy, có thể làm được, chỉ cần chính quyền quan tâm thật sự là có. 

Nghe nói ở Paris, khi có nhu cầu, bạn có thể vào nhà vệ sinh của các quán ăn, nhà hàng tư nhân để sử dụng. Hình dung ở những tuyến phố cổ, chật hẹp của Paris, việc xây mới nhà vệ sinh cũng khó, mà các quán ăn, nhà hàng tư thì nhiều.

Giải pháp vào đây sử dụng nhà vệ sinh quá hợp lý, nhưng ban đầu chắc cũng không hẳn là hợp lý cho các chủ quán ăn, nhà hàng. Muốn họ đồng ý, chính quyền thành phố Paris đã có những biện pháp thích hợp. 

Quay trở lại ta, thử xem ở Hà Nội đỗ ô tô, xe máy đúng mặt tiền nhà hàng, quán ăn nào đó mà không vào đó... Rất khó, hình như mặc định mặt tiền đấy là của nhà hàng, quán ăn đó, chứ đừng nói vào sử dụng nhà vệ sinh. Có lẽ, phải sửa từ những cái nhỏ, cụ thể như vậy.

Mời bạn chia sẻ những câu chuyện cảm động, những bài học ý nghĩa... gặp trên đường đi công tác hay du lịch nước ngoài, và cả những ngẫm ngợi của bạn khi nghĩ về Việt Nam. Chia sẻ gửi về [email protected]. Bài viết, câu chuyện phù hợp sẽ được đăng tải.

Đinh Duy Hòa