- Bộ trưởng Piet Hein Donner của Hà Lan đi làm bằng xe đạp và đã 2 lần bị mất xe, thậm chí 1 lần mất ngay trong bãi để xe của Chính phủ.
Từ nhiều năm nay, xe đạp đã trở thành tương đối phổ biến ở nhiều nước châu Âu. Đối với người này, cái xe đạp đơn thuần chỉ là phương tiện đi lại, nhưng đối với người khác lại là bảo vật thể hiện cá tính của chính mình. Cùng với việc gia tăng số lượng xe đạp là sự gia tăng nạn ăn cắp xe.
Piet Hein Donner là bộ trưởng trong Chính phủ Hà Lan. Ông đi làm bằng xe đạp và đã 2 lần bị trộm mất xe, thậm chí một lần mất ngay trong bãi để xe của Chính phủ.
Đối với người Hà Lan, mất xe đạp là chuyện nhỏ, vì nó xảy ra thường xuyên và người ta cũng quen dần với nó.
Trung bình một năm ở Đức có 300.000 vụ mất xe đạp. Hà Lan còn cao hơn, ví dụ năm 2009 những 900.000 vụ. Nói chung, cảnh sát bó tay về vấn nạn mất xe, vì thực sự không đủ người đi điều tra các vụ mất cắp. Chỉ khoảng 10% các vụ được tìm ra ở Đức.
Ở Hà Lan thì sao?
Nếu bạn mất xe đạp ở nước này và than phiền với bạn bè thì lời khuyên nhận được thường sẽ là: hãy đi trộm lấy một cái mà đi, kêu cái nỗi gì!
Cái tư duy trộm lấy mà đi đã gần như phổ biến ở Hà Lan, trở thành cái gì đó đương nhiên. Một người vừa mất xe, viết trên facebook : Chào mọi người nhé, tớ vừa mất xe đạp, đành phải thủ một cái vậy. Bạn nào cho tớ vài chỉ dẫn trộm xe cái nào. Quá hay và thực tế.
Một nữ sinh viên tâm lý học nói ở Hà Lan đang tồn tại quan điểm cho rằng xe đạp nên là của chung mọi người. Có câu chuyện vui là bạn mất xe, nhìn thấy một tốp đang đi xe đạp đến gần, bạn cứ thử hô to: Ôi, xe đạp của tôi đây rồi, lập tức sẽ có người đang đi xe trong tốp đó bỏ xe, chạy biến. Hóa ra đấy là xe ăn cắp, cứ chạy cho chắc ăn.
Phản ứng của người bị mất xe
Người thì lặng thinh, người thì gào thét, chửi bới và có người lẳng lặng để lại một lời nhắn cho kẻ cắp. Để lời nhắn nhủ kẻ cắp, quá tuyệt vời và nữ nhà văn Đức Frauke Luepke-Narberhaus đã tập hợp những lời nhắn nhủ này trong cuốn sách của bà: Mất đi trái tim- Tìm được con chó. Hãy xem vài lời nhắn nhủ nhé.
Thô tục thì người mất xe sẽ để lại lời viết: Thằng chó đểu nào lấy cắp xe ông!
Bình thường trong phần lớn trường hợp sẽ là: Xe đạp của tôi dựng đây đâu rồi nhỉ?
Tiếp theo là yêu cầu nhã nhặn: Bất kể Quý vị trộm xe tôi vì lý do bần hàn hay sở thích, làm ơn mang trả lại cho tôi nhé!
Mức bực mình và khó chịu nhiều hơn là lời nhắn như có người đã viết như sau:
Kẻ cắp xe đạp yêu quý ơi,
Ta có thể hiểu được nhà ngươi thích cái xe của ta như thế nào, vì bản thân ta cũng thích nó suốt một tuần qua. Ta mua nó bằng tiền kiếm được vất vả mấy ca làm ban đêm đấy.
Ta cầu chúc cho ngươi đồ mắc dịch với xe của ta.
Hoặc như một gia đình ở Hamburg đã viết:
Đồ ăn cắp hỗn đản,
Mày lấy mấy cái xe đạp nhà tao, nhưng đấy là đồ cổ con ơi, được chúng tao thừa kế từ bà nội đấy.
Lệnh cho mày đến cuối tháng 5 phải trả lại xe, nếu không mày sẽ hứng chịu nỗi hận thù dai dẳng của chúng tao.
Nếu mày không trả, mày sẽ không an giấc, sẽ có những ngày tháng đen đủi, bạn bè sẽ rời xa mày. Đấy là những thứ mà gia đình chúng tao mang lại cho mày nếu mày không trả lại xe....
Kế đến là sự lăng mạ theo kiểu:
Gửi thằng trộm cắp đểu giả đã cuỗm cái đèn xe tao ngày 13/12 vừa qua: Ánh sáng đèn xe tao là thứ duy nhất soi rọi cuộc đời tăm tối mày. Đồ vô tích sự!
Hoặc: Đồ mất dạy nào cắp xe đạp con gái tao vẫn đi học. Lấy cắp xe đạp là đáng kinh tởm!
Hay hơn nữa là lời nhắn theo kiểu sau:
Chú ý! Chú ý! Chú ý! Chú ý!
THƯỞNG NÈ!
Gửi kẻ cắp xe đạp yêu quý của tao vào ngày 12/5/2013 ngay trước cổng nhà tao!
Munich là nhỏ bé hơn mày tưởng. Mày có chắc chắn nhất thì tao vẫn tìm ra mày, đồ khốn. Trong tù sẽ không dễ chịu cho bọn trộm cắp xe đạp đâu.
Trả lại xe tao và không phải sợ gì cả nhé!
Ai thấy xe tôi như mô tả và ảnh kèm theo, xin báo cảnh sát hoặc cho tôi theo địa chỉ. Rất, rất cám ơn và sẽ có hậu tạ!
Mời bạn chia sẻ những câu chuyện cảm động, những bài học ý nghĩa... gặp trên đường đi công tác hay du lịch nước ngoài, và cả những ngẫm ngợi của bạn khi nghĩ về Việt Nam. Chia sẻ gửi về [email protected]. Bài viết, câu chuyện phù hợp sẽ được đăng tải. |