Mấy năm dạy ở Trường Đại học Ngôn ngữ và Nghiên cứu quốc tế Busan (Hàn Quốc), mình hay đi lang thang cuối tuần và để ý quan sát đủ mọi thứ ở xứ người. Nhân chuyện đốn cây, cưa cây ở nơi này và những cố gắng bảo vệ cây ở nơi kia, mình lục lại vài hình ảnh đã chụp và lưu trữ trong máy tính.
Cây trồng trong sân Trường ĐH Ngoại ngữ và Nghiên cứu Quốc tế Busan. Ảnh: Nguyễn Phượng |
Đại để, không thể so sánh người Việt và người Hàn ai yêu cây hơn ai. Nhưng trong quan sát và cảm nhận của mình thì có vẻ người Hàn họ yêu cây một cách lý trí và sâu sắc hơn. Tức là họ trồng và chăm sóc cây rất bài bản và có tính khoa học hẳn hoi. Sau đây là một số điều mà mình quan sát được.
Thứ nhất là bảo vệ cây bằng hệ thống cột giằng. Thường người ta chỉ dùng hệ thống này cho những cây mới trồng và duy trì hệ thống cột giằng này trong khoảng 5 đến 10 năm. Khi cây đủ lớn và rễ đã cắm sâu trong đất, hệ thống cột giằng vẫn có thể để lại nhưng không còn ý nghĩa gì và người ta có thể tháo dỡ đi.
Mình cũng để ý là ở điểm tiếp xúc giữa hệ thống cột giằng và vỏ cây, bao giờ người ta cũng dùng một lớp bao tải dầy bao quanh để tránh xây xát, tổn thương cây.
Vì sao phải có lớp bao tải này? Vì chỗ tổn thương ở vỏ cây là nơi sâu bệnh dễ xâm nhập nhất.
Trong khi đó, ở Hà Nội người mình trồng cây cũng đã học cách xứ người dùng hệ thống cột giằng nhưng lại quên dùng bao tải bọc đệm chỗ tiếp xúc.
Vậy thì dù có bảo vệ được cây khỏi đổ nhưng chưa chắc đã bảo vệ cây không bị tổn thương và sâu đục thân.
Thứ hai là vừa dùng hệ thống cột giằng vừa xây bệ bảo vệ. Bệ bảo vệ thường là đá hoa cương, vừa chắc chắn vừa sang trọng và có tính thẩm mỹ. Cách này thì khỏi bàn. Mời các bạn xem hình.
Thứ ba là tiếp nước, thuốc và dinh dưỡng cho cây. Cách này chắc người mình chưa nghĩ tới bao giờ. Các bạn có thể xem hình cây đeo những túi bao tải lớn kèm dây nước như dây nước người ta truyền cho bệnh nhân ở bệnh viện.
Tại sao phải dùng hình thức này? Hình thức này cũng giống như bên y tế người ta tiêm vac-xin cho trẻ dưới ba tuổi vậy.
Cây sẽ được tiếp thêm sức kháng thể để chống lại các loài sâu bệnh, nhất là sâu đục thân.
Các bạn chắc sẽ thắc mắc về các bao tải cây phải đeo năng trĩu kia có tác dụng gì?
Về nguyên tắc, cây ở rừng cần 1m3 đất thì cây ở phố phải cần 100m3 đất do những bất lợi mà cây ở phố phải đối mặt. Và cái bao tải kia chính là cách trồng mà thuật ngữ chuyên môn gọi là giá thể cho nhu cầu tương đương của cây.
Xin nói thêm: À mà cây trồng nơi đường phố có nhà cao tầng chắn gió rồi thì không cần hệ thống cột giằng bảo vệ nữa. Khác với nhà trường ở mình, có nhà học cao ngất ngưởng chắn gió rồi, vẫn cứ đốn cây.
Nguyễn Phượng (nguyên giáo sư thỉnh giảng Trường ĐH Ngoại ngữ và Nghiên cứu Quốc tế Busan)
Kính mời Quý Bạn đọc tham gia ý kiến đóng góp gửi về email [email protected]. Xin trân trọng cảm ơn!
Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp: "Phượng, bàng có thể trồng tốt trong trường"
Hôm nay một cây phượng bị gãy đổ tại trường – chúng ta chặt bỏ toàn bộ hoặc tỉa trơ trụi các cây còn lại (thậm chí cây chỉ trồng 10 năm), nay mai một cây trong rừng bị đổ - chúng ta lại chặt cả rừng cây?