Với các điều kiện thông thoáng hơn, xe nhập khẩu sẽ tiếp tục cạnh tranh mạnh với xe lắp ráp trong nước. Ảnh minh họa: Internet |
Một nội dung được quan tâm trong Nghị định 17/2020/NĐ-CP vừa ban hành là việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 116/2017 NĐ-CP, quy định điều kiện sản xuất lắp ráp nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô khi nhiều nút thắt trong nhập khẩu xe được gỡ sau 2 năm thực hiện.
Nghị định 116 chính thức có hiệu lực từ năm 2018 đã khiến không ít doanh nghiệp gặp khó trong nhập khẩu xe về Việt Nam. Điều này cũng làm cho xe nhập khẩu trở nên khan hiếm suốt nửa đầu năm 2018, khi nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để nhập khẩu xe. Sau 2 năm thực hiện, Chính phủ đã ban hành một Nghị định mới sửa đổi nhiều điều khoản của Nghị định 116, đặc biệt là dỡ bỏ nhiều điều khoản
Cụ thể, Nghị định 17/2020 đã bãi bỏ khoản 11, điều 3 quy định về Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA) – quy định từng “làm khó” nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xe hồi khi mới đi vào thực thi.
Về việc quản lý chất lượng ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam, Nghị định 17 nêu: “Đối với ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước áp dụng phương thức chứng nhận theo kiểu loại thì cơ quan quản lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mẫu đại diện và kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất;
Trong khi đó, đối với ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước áp dụng phương thức quản lý tự chứng nhận thì cơ quan quản lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mẫu đại diện và thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường. Tần suất đánh giá kiểu loại tối đa là 36 tháng.
Với quy định mới này, các doanh nghiệp nhập khẩu xe sẽ rút ngắn được thời gian thông quan và đưa xe mới ra thị trường do không phải kiểm tra theo lô mà sẽ được kiểm tra, thử nghiệm mẫu xe đại diện.
Điều kiện nhập khẩu xe trở nên thông thoáng hơn có thể sẽ là động lực giúp cho ô tô nhập khẩu tiếp tục thành công sau một năm “bùng nổ”.
Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 142.000 xe ô tô nguyên chiếc các loại. Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống đạt khoảng 102.000 chiếc, chủ yếu là xe con từ Thái Lan và Indonesia.
Nhờ lượng xe nhập khẩu lớn, nguồn cung các dòng xe con, xe 7 chỗ từ ASEAN dồi dào, thị trường xe không còn tình trạng khan hàng, chênh giá và doanh số xe nhập khẩu tăng mạnh mẽ. Trong năm 2019, toàn thị trường đã tiêu thụ trên 132.872 chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc các loại, tăng tới 82% so với năm trước. Trong khi đó xe lắp ráp trong nước giảm đạt 189.450, giảm 12%, khiến cho khoảng cách giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu rút ngắn lại.