Hiện nay, không khó để gặp một số xe ô tô lưu thông trên đường mà không có biển số. Đa số trong đó là xe mới mua, chưa kịp lắp biển hoặc xe mới chuyển nhượng mà chưa kịp đăng ký lại,...
Theo quy định tại Điều 53, Luật Giao thông đường bộ, phương tiện muốn tham gia giao thông trên đường thì phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Do đó, trong thời gian chưa có biển số, phương tiện không được lưu thông trên đường, trừ các trường hợp xe đăng ký tạm thời.
Xe mới chưa đăng ký, muốn ra đường phải đăng ký biển tạm. (Ảnh: Xe Đồng Nai) |
Điều 12 Thông tư 58/2020/TT-BCA đã liệt kê cụ thể 04 trường hợp xe đăng ký tạm như sau:
- Xe chưa được đăng ký, cấp biển số chính thức có nhu cầu tham gia giao thông;
- Xe đăng ký ở nước ngoài được cơ quan thẩm quyền cho phép vào Việt Nam du lịch, phục vụ hội nghị, hội chợ, triển lãm, thể dục, thể thao;
- Xe phục vụ hội nghị do Đảng, Nhà nước, Chính phủ tổ chức;
- Xe ô tô làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe để tái xuất về nước hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam và xe có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng.
Theo quy định này, người dân mới mua xe và đang trong thời gian chờ cấp giấy đăng ký xe, biển số chính thức phải xin cấp đăng ký tạm thời sẽ được tham gia giao thông.
Tuy nhiên, giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời có giá trị thời hạn sử dụng tối đa 30 ngày và xe đăng ký tạm thời chỉ được tham gia giao thông theo thời hạn, tuyến đường và phạm vi hoạt động ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời.
Trường hợp chưa đăng ký tạm thời mà tham gia giao thông trên đường, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Mức phạt đối với ô tô và xe máy theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP và sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP. |
Theo đó, hành vi điều khiển ô tô không gắn biển số ra đường trái quy định bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, đồng thời tước GPLX 1-3 tháng. Còn trường hợp xe ô tô có biển số nhưng không có giấy đăng ký xe, lái xe cũng bị phạt với mức tiền tương đương, nhưng có thể bị tịch thu phương tiện.
Tương tự đối với xe máy, người điều khiển có thể bị phạt tiền từ 800 nghìn - 1 triệu đồng với hành vi điều khiển xe không gắn biển số và xe với xe không có giấy đăng ký, người điều khiển xe cũng bị phạt mức tiền tương đương, nhưng có thể bị tịch thu phương tiện.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào về tình huống trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Tài xế cố tình chen ngang ở trạm thu phí bị xử lý như thế nào?
Khi tất cả các phương tiện đang xếp hàng lần lượt vào trạm thu phí, bỗng một chiếc xe từ đâu vượt lên rồi tạt đầu chen ngang. Hành vi xấu xí này không chỉ đáng lên án mà còn rất đáng bị phạt nặng.