Mới đây, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) đã đề xuất trang bị phanh khẩn cấp tự động (AEB) sẽ có mặt trên tất cả các mẫu xe du lịch và xe tải nhẹ mới trong vòng 3 năm tới.
Khi được trang bị tính năng AEB, các vụ va chạm liên quan đến người đi bộ phía trước và phía sau dự kiến sẽ giảm đáng kể. NHTSA dự đoán quy định này sẽ cứu được ít nhất 360 mạng sống và giảm thương tích ít nhất 24.000 người mỗi năm.
Chính quyền của Tổng thống Biden đã chỉ đạo NHTSA dựa trên luật cơ sở hạ tầng năm 2021 để nghiên cứu và thiết lập các tiêu chuẩn hoạt động tối thiểu cho các hệ thống AEB bằng cách sử dụng nhiều cảm biến khác nhau như camera và radar để phát hiện một phương tiện sắp va chạm.
Ông Ann Carlson - trưởng ban cố vấn của NHTSA cho biết đề xuất này giúp cho tất cả các xe ô tô có thể dừng và tránh va chạm với một phương tiện phía trước với tốc độ lên đến 100 km/h. Và đề xuất này sẽ yêu cầu tín năng phanh khẩn cấp tự động AEB dành cho người đi bộ, bao gồm yêu cầu nhận biết và tránh người đi bộ trong điều kiện ban đêm.
Theo thống kê, số người đi bộ thiệt mạng vào năm 2021 đã tăng 13% lên 7.342, con số cao nhất kể từ năm 1981. Liên minh đổi mới ô tô đại diện cho các nhà sản xuất ô tô lớn như General Motors, Toyota, Volkswagen, Hyundai, Kia, BMW, Ferrari, Honda, McLaren, Subaru, Porsche,... cho biết họ đang xem xét vấn đề này.
Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc Mỹ (IIHS) cũng chỉ ra việc yêu cầu hệ thống ngăn ngừa va chạm từ những xe chạy phía sau vào xe phía trước ở tốc độ cao hơn sẽ góp phần cải thiện các hệ thống an toàn hiện đang là tiêu chuẩn trên hầu hết các mẫu xe mới.
Vào năm 2016, 20 nhà sản xuất ô tô đã trang bị phanh tự động khẩn cấp lên hầu hết các mẫu xe mà họ bán tại Mỹ vào năm 2022. Tuy nhiên, mọi thứ mới chỉ dừng lại ở tính tự nguyện chứ chưa phải là bắt buộc.
Hiện tại, các mẫu xe mới bán ra tại Nhật Bản và các nước thuộc liên minh châu Âu EU đều đã áp dụng bắt buộc xe ô tô con và xe thương mại phải có trang bị phanh khẩn cấp từ năm 2020.
Hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB) là một trong nhiều trang bị an toàn trên các mẫu xe mới hiện nay. Hệ thống AEB được coi là bước tiến mới trong việc đảm bảo an toàn tương tự như việc trang bị túi khí và dây an toàn.
Hệ thống AEB sử dụng cảm biến radar, laser hoặc camera để giám sát các nguy cơ và phát hiện tiềm năng va chạm với xe khác, người đi bộ hoặc các mối nguy hiểm.
Phanh khẩn cấp tự động AEB có thể cảnh báo lái xe một vụ va chạm sắp xảy ra và giúp lái xe phanh với một lực tối đa. Bên cạnh đó, AEB còn tự động phanh xe một cách độc lập trong tình huống nguy kịch. Hệ thống AEB có thể chia làm 3 loại chính.
Hệ thống phanh ở tốc độ thấp: Mục tiêu của phiên bản này là lái xe trong thành phố, nơi va chạm thường xảy ra ở tốc độ thấp nhưng có thể gây chấn thương cột sống và đốt sống cổ dẫn đến tử vong.
Thông thường loại này có thể phản ứng đối với ô tô khác nhưng không nhạy cảm đối với người đi bộ và các loại xe khác. Tùy từng phiên bản, ra đa có thể quét phía trước xe từ 8-10 mét và có thể ngăn ngừa va chạm khi chạy ở tốc độ từ 30 đến 50 km/h.
Hệ thống phanh ở tốc độ cao: Phiên bản này thường sử dụng ra đa tầm xa có thể phát hiện xe khác ở phía trước cách xa 200 mét ở tốc độ 80 km/h.
Hệ thống tránh va chạm với người đi bộ: Phiên bản này sử dụng camera kết hợp với ra đa để phát hiện người đi bộ thông qua hình dáng và đặc điểm của người đi bộ. Bằng cách tính toán tốc độ, xe sẽ xác định xem có mối nguy hiểm xảy ra không.
Ba loại hệ thống không loại trừ lẫn nhau, có hệ thống AEB có thể chỉ có thể ngăn ngừa va chạm ở tốc độ chậm, có loại kết hợp cả 3 loại ngăn ngừa va chạm ở tốc độ thấp, cao và khách bộ hành.
Điều quan trọng cần lưu ý là mỗi loại hệ thống khác nhau tùy theo nhà sản xuất thậm chí tùy từng kiểu mẫu xe về các chức năng cảnh báo, phanh, khoảng cách kích hoạt... Mặc dù AEB có nhiều loại, hầu hết đều cảnh báo bằng âm thanh, hình ảnh hoặc rung tay lái) hoặc cả ba.
Chính vì những lợi ích của hệ thống AEB đem lại trong việc giảm thiểu va chạm cũng như tính mạng con người nên nhiều quốc gia đã bắt buộc các hãng xe phải trang bị hệ thống này.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!