Tác hại lớn
Nghiên cứu của Đại học Bách Khoa tp Hồ Chí Minh vào năm 2015 tại tuyến đường: An Sương, Cộng Hòa, Bến Bạch Đằng (tp Hồ Chí Minh) cho thấy, lượng tiêu hao nhiên liệu, tính theo hành khách/km trong 1 ngày của xe gắn máy cao gấp 92 lần so với xe bus. Thiệt hại do lãng phí nhiên liệu khoảng 5.472 tỷ đồng/năm.
Đấy là chưa kể tới tác hại gây ra cho môi trường. Kết quả của việc đốt cháy nhiên liệu động cơ, là các phản ứng cháy không hoàn toàn, sản sinh ra nhiều sản phẩm trung gian và nhiều tạp chất, phát tán vào môi trường như cacbon, sunphua, nitơ, lưu huỳnh và các hợp chất kim loại như chì… rất độc hại.
Còn theo số liệu mới đây của Đại học Quốc gia tp Hồ Chí Minh, xe máy và ô tô sử dụng nhiên liệu là xăng, dầu chiếm 18% nguồn phát thải bụi PM2.5, tác nhân gây nhiều loại bệnh tật, khi thâm nhập sâu vào hệ hô hấp. Hít phải bụi mịn với nồng độ cao trong thời gian kéo dài, sức khỏe con người sẽ càng bị đe dọa nghiêm trọng hơn nữa. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp bụi mịn vào tác nhân gây ung thư nhóm 1, đặc biệt nguy hiểm cho người già và trẻ em do sức đề kháng kém.
Tại Việt Nam, ước tính hàng năm, xe máy “đốt” hơn 5 tỷ USD xăng, thải ra một lượng khí thải khổng lồ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe người dân. Năm 2023, theo xếp hạng của tổ chức IQAir, Việt Nam là quốc gia ô nhiễm thứ 22 trên thế giới.
Cần hành động ngay
Vào đầu tháng 9/2021 Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã có văn bản trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường, về việc triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam. Động thái này xuất phát từ việc Cục Cảnh sát giao thông nhận thấy, số lượng phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe máy xăng tăng nhanh và không kiểm soát về khí khải khi hoạt động, dẫn đến gia tăng phát thải, gây ô nhiễm không khí, nhất là tại các đô thị.
Cục Cảnh sát giao thông đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, có các chính sách kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông. Trong đó đáng chú ý là đề xuất cần có cơ chế, chính sách giảm, miễn lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số… đối với phương tiện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, tăng đối với xe chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu.
Tuy nhiên, xe máy sử dụng năng lượng sạch đến nay vẫn chưa nhận được ưu đãi nào, vẫn bị đối xử giống như xe máy xăng.
Việt Nam xác định, đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch. Đến 2050, 100% phương tiện chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải hành động ngay, mới mong đạt được mục tiêu đề ra. Cứ tính với mức tiêu thụ xe máy xăng thời điểm thấp nhất là 2,5 triệu chiếc (năm 2023), thì 10 năm nữa con số này cũng đạt tới 25 triệu xe và đưa tổng số xe máy xăng đăng ký lưu hành chạm mốc 100 triệu xe vào cuối năm 2033. Điều này chỉ có lợi cho các doanh nghiệp sản xuất xe máy xăng, còn lộ trình chuyển đổi sẽ gặp nhiều thách thức.
Cho đến nay, chưa có doanh nghiệp xe máy xăng nào tại Việt Nam đưa ra lộ trình chuyển đổi sang xe sử dụng nặng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
Các chuyên gia khuyến nghị, cần sớm ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, để thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường và hạn chế phương tiện sử dụng xăng, dầu truyền thống. Việc sớm thực hiện biện pháp này là rất cần thiết vì lợi ích quan trọng của xã hội.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!