Vành đai 3 trên cao (Hà Nội) đoạn từ cầu Thanh Trì đến cầu Thăng Long là tuyến đường được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc với dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị, biển báo, vạch kẻ đường,...
Dù là tuyến đường cấm xe hai bánh di chuyển vào, nhưng có thể thấy tình trạng xe máy ngang nhiên đi lên đường Vành đai 3 trên cao là khá phổ biến.
Đặc biệt, tại các điểm lên xuống như tại nút giao Thanh Xuân, Trần Duy Hưng, Pháp Vân,... thường xuyên xuất hiện những xe máy chạy dịch vụ (xe ôm, xe công nghệ) đứng đón khách, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Trường hợp đi xe máy lên đường này hoàn toàn có thể bị CSGT xử phạt với mức rất cao theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Theo đó, tại Điều 6 Nghị định 100, hành vi điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu; đồng thời bị tước GPLX tù 3-5 tháng. Ngoài ra, nếu điều khiển xe máy vào đường cao tốc gây tai nạn giao thông có thể bị phạt tiền từ 4-5 triệu đồng.
Tuy mức xử phạt đã rõ và được đánh giá là đủ sức răn đe, nhưng trên thực tế khá ít trường hợp người điều khiển mô tô xe máy lên tuyến Vành đai 3 trên cao bị xử lý. Điều này dẫn đến tình trạng "nhờn" luật, gây bức xúc cho các phương tiện khác.
Nhiều ý kiến cho rằng, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý "nóng" những trường hợp coi thường pháp luật, bất chấp nguy hiểm của bản thân và người khác như trên.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!