Một thực tế cho thấy, trên nhiều trang mạng xã hội thời gian qua xuất hiện không ít thông tin liên quan đến việc “thanh lý xe giá rẻ”, “thanh lý xe trốn thuế”, “thanh lý xe tang vật”. Trước những thông tin, lời quảng cáo bốc trời trên, nhiều người như lạc vào “ma trận”. 

Truy cập vào trang mạng tìm kiếm google.com, gõ từ khóa “bán xe thanh lý”, trong ít phút, trên giao diện màn hình sẽ xuất hiện không ít địa chỉ, đường link đăng thông tin rao bán “xe thanh lý giá rẻ”.

Theo anh Minh Tiến, 33 tuổi, nhà ở quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, khi đọc được những thông tin nêu trên trên các trang mạng xã hội, bản thân anh không tin cho lắm, nhưng sau đó khi thấy một số trang mạng còn đưa hình ảnh phương tiện chưa qua đăng ký biển kiểm soát cùng với đó là những lời bảo hành đại loại như: “chỉ cần trao tiền sẽ có xe”, bản thân anh như lạc vào mê hồn trận.

Đúng như lời anh Minh Tiến chia sẻ, truy cập vào trang Facebook có tên gọi “bán xe thanh lý”, chúng tôi không khỏi giật mình trước những thông tin mà chủ nhân trang mạng xã hội này đưa ra. Theo chủ nhân trang mạng cho biết, “kho” của cơ sở này đang thanh lý 5.000 xe máy giá rẻ.

{keywords}
Hình ảnh những chiếc xe mới cáu cạnh được cho là xe thanh lý được đăng tải trên mạng xã hội.

Từ dòng xe SH nhập, SH Mode, Lead 2015… cho đến xe Vespa LX, Honda Dream Thái, tất cả đều có. Đáng bàn, toàn bộ số xe này được chào bán với giá rẻ bất ngờ (rẻ gấp 2-3 lần) so với giá trị thực. Đơn cử xe SH 150i được chào bán với giá 30 triệu đồng; xe Vespa LX với giá 20 triệu đồng, xe Honda Dream Thái với giá 10 triệu đồng.

Kèm theo lời quảng cáo trên là thông tin của chủ nhân trang mạng: “Không phải đặt cọc bất kỳ khoản tiền nào và nhận xe có thể mang thợ hay Công an đến kiểm tra máy, giấy tờ xe nhé (?!)”.

Tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, để “hút” người quan tâm, chủ nhân của những trang mạng xã hội dạng này thường đưa ra những lời cam kết như đúng rồi. Và tất nhiên, nếu không cẩn trọng, người tiêu dùng sẽ rất dễ sập bẫy. Trở lại thông tin mà trang Facebook có tên gọi “bán xe thanh lý” ở trên.

Sau hàng loạt lời mời chào, chủ nhân trang mạng này còn cam kết rằng, vì đây là chương trình gây quỹ từ thiện nên khi mua xe, người tiêu dùng sẽ được cung cấp giấy tờ mua xe và miễn phí 10% thuế, được đăng ký biển số y như các xe đang được lưu thông hiện hành.

Đồng thời, số xe này đều là xe mới 100%, nhập lậu trốn thuế, là kho xe thu giữ được của các đối tượng vi phạm nên mức giá hoàn toàn bất ngờ. Như để tăng thêm tính sinh động cho thông tin mình đăng tải, chủ trang mạng còn “post” thêm một số hình ảnh về các lô hàng - phương tiện mới cáu cạnh.

Ngang nhiên và coi thường pháp luật hơn khi một số trang mạng xã hội còn đăng tải thông tin theo kiểu “cơ quan Công an bán xe thanh lý”. Đọc những thông tin dạng này, nhiều người lầm tưởng cơ quan Công an đang có nhu cầu thanh lý các phương tiện bị tịch thu, tạm giữ đến kỳ hạn thanh lý.

Đơn cử như trên trang mạng xã hội có địa chỉ www.facebook.com/bocoxxx, nội dung “lô mới nhất nhanh tay để lại thông tin cá nhân” được đăng tải khá công khai. Theo chủ nhân trang mạng, để mua được xe thanh lý của Bộ Công an, người tiêu dùng phải cung cấp tên, địa chỉ nhận hàng, chứng minh thư, loại xe cần mua, màu xe…

{keywords}
Cần cảnh giác trước thông tin rao bán xe thanh lý trên mạng Internet.

Và chính những thông tin này đã kéo theo không ít bình luận của người xem đại loại như: “Có không đó?”, “Bao nhiêu tiền một xe vậy?”, “Giá xe?” v.v.. Thậm chí, một số người còn để lại số điện thoại để chủ nhân trang mạng tiện liên hệ.

Tình trạng đưa thông tin, rao bán những chiếc xe được cho là trốn thuế, là nhập lậu, là phương tiện bị cơ quan chức năng tịch thu đến kỳ thanh lý trên một số trang mạng xã hội hiện nay đã và đang gây nhiễu loạn thông tin. Không ít người do thiếu thông tin, mất cảnh giác đã bị những lời quảng cáo bốc trời này lôi cuốn. Nhất là khi nhìn vào hình ảnh số xe máy có mẫu mã mới, đẹp long lanh với mức giá rẻ bất ngờ, ít ai có thể “cầm lòng”.

Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Hoàng Hải, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 12, Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội khẳng định, thông tin “Công an, Hải quan rao bán xe thanh lý, xe tang vật giá rẻ” trên một số trang mạng xã hội hiện nay là thất thiệt.

Nói vậy cũng bởi, trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm Luật Giao thông trên tuyến, khi phát hiện các trường hợp xe tang vật vụ án, theo quy định, lực lượng CSGT sẽ lập biên bản bàn giao cho cơ quan Công an có thẩm quyền tiến hành điều tra, xác minh chủ sở hữu phương tiện và sẽ tiến hành xử lý vụ việc nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, đối với các phương tiện không có giấy tờ, hết kỳ hạn tạm giữ mà không có chủ phương tiện đến giải quyết, các đơn vị Công an sẽ tiến hành làm thủ tục bàn giao cho Hội đồng thẩm định, bán đấu giá tài sản theo trình tự rất chặt chẽ.

Đồng quan điểm trên, Đại úy Lê Văn Tiến, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 9 cũng cho rằng, toàn bộ số tiền thu về sau khi được tổ chức bán đấu giá phương tiện bị tịch thu, sẽ được sung vào Ngân sách Nhà nước theo quy định, chứ không thuộc về bất cứ một cá nhân, tổ chức nào.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, quy trình về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung công quỹ là rất chặt chẽ. Không thể có chuyện rao bán tràn lan trên các mạng xã hội được.

Cụ thể, Thông tư số 215/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 10 tháng 12 năm 2012 hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính, đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu đã chuyển giao để bán đấu giá mà không bán được theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 35 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP và khoản 1 Điều 49 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản; trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, cơ quan của người ra quyết định tịch thu thành lập Hội đồng thanh lý tài sản để thực hiện việc thanh lý.

Thành phần của Hội đồng thanh lý tài sản gồm: lãnh đạo cơ quan của người ra quyết định tịch thu (hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu) - Chủ tịch Hội đồng; đại diện cơ quan tài chính cùng cấp - Phó Chủ tịch Hội đồng; đại diện bộ phận chuyên môn của cơ quan của người đã ra quyết định tịch thu (hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu) - thành viên; đại diện cơ quan, đơn vị có liên quan - thành viên Hội đồng...

Không chỉ là “miếng mồi” cho các đối tượng sử dụng mạng xã hội lừa đảo, nếu không cẩn trọng, tìm hiểu kỹ các thông tin, người tiêu dùng rất dễ “tiền mất tật mang”. Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều đối tượng sau khi trộm cắp được xe máy đã đục lại số khung - số máy, làm giả giấy tờ rồi đăng tải thông tin rao bán trên mạng xã hội. Tất nhiên, lúc này nếu không cẩn trọng tìm hiểu kỹ thông tin, người tiêu dùng chắc chắn sẽ bị sập bẫy lừa của các đối tượng.

{keywords}
Hai đối tượng trong một vụ án lừa bán xe máy giá rẻ trên mạng.

Trao đổi với đại diện Đội 6, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội – Công an TP Hà Nội, chúng tôi được biết, thời gian qua, bình quân hằng tháng, lực lượng chức năng của thành phố đã triệt phá thành công từ 50-70 vụ trộm cắp xe máy.

Mới đây, Công an các quận: Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và huyện Mê Linh (Hà Nội) đã liên tiếp làm rõ 2 đường dây trộm cắp, tiêu thụ xe máy với số lượng lớn hơn 100 xe máy các loại. Điều này càng cho thấy, nếu không tìm hiểu kỹ, khi mua xe giá rẻ trên mạng, người tiêu dùng rất dễ ăn “quả đắng”.

Bên cạnh đó, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người tiêu dùng, một số đối tượng còn lập ra trang mạng xã hội Facebook vờ bán xe máy giá rẻ nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điển hình vào ngày 13-5 vừa qua, cơ quan CSĐT Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã bắt tạm giam đối tượng Võ Duy Hậu, 23 tuổi và Nguyễn Quang Thắng, 21 tuổi, cùng ở huyện Yên Thành (Nghệ An) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, Hậu và Thắng đã lập tài khoản Facebook, sau đó đăng tin rao bán xe máy giá rẻ. Khi thấy “con mồi” cắn câu, Hậu và Thắng liền vờ gặp mặt, giao xe, nhưng rồi sau đó lợi dụng người có nhu cầu mua sơ hở, các đối tượng đã lấy tiền và lên xe tẩu thoát. Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã thực hiện trót lọt 3 vụ chiếm đoạt số tiền gần 40 triệu đồng của các bị hại.

Nhằm ngăn chặn “ma trận” xe thanh lý giá rẻ trên thị trường “đen” như hiện nay, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp giả mạo cơ quan chức năng đưa thông tin thất thiệt.

Mặt khác, theo Đại úy Nguyễn Hoàng Hải và Đại úy Lê Văn Tiến khuyến cáo, người dân cần thận trọng trước những thông tin, giao dịch trên các trang mạng xã hội liên quan đến trao đổi, mua bán các phương tiện được cho là “xe thanh lý”, “xe trốn thuế” như hiện nay. Có như vậy mới tránh được “tiền mất tật mang”.

(Theo Cảnh sát toàn cầu)