Trong quá trình sử dụng xe máy, không ít trường hợp chiếc xe của chúng ta vì một lý do nào đó không thể tự di chuyển được, phải "nằm đường". Một số nguyên nhân chủ yếu như hết xăng, thủng lốp, trục trặc động cơ, hệ truyền động hoặc hỏng hóc ở phần điện,...

Giải pháp được nhiều người áp dụng đó là nhờ một chiếc xe máy khác kéo/đẩy về nhà, đến trạm xăng hoặc các cửa hàng sửa chữa để khắc phục, đỡ mất công phải dắt bộ.

Tuy vậy, hành động này có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân và người tham gia giao thông trên đường. Đồng thời, việc kéo, đẩy xe khác còn là hành vi bị cấm trong Luật Giao thông đường bộ.

Không hiếm gặp những trường hợp xe máy phải đẩy/kéo nhau trên đường. (Ảnh minh hoạ: Otofun)

Cụ thể, tại khoản 3, Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:

- Đi xe dàn hàng ngang;

- Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;

- Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;

- Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;

- Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

- Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Việc sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác còn có thể bị CSGT xử phạt nặng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (Nghị định 100).

Theo điểm k, khoản 3, Điều 6 Nghị định 100, phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng đối với người điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.

Đồng thời, khi kéo, đẩy xe khác trên đường mà gây tai nạn giao thông thì người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2-4 tháng theo điểm k, khoản 10, Điều 6 Nghị định 100.

Các chuyên gia về lái xe an toàn cho rằng, khi xe máy của bạn không may bị trục trặc giữa đường, tuỳ từng loại hỏng hóc của xe nhưng cần liên hệ ngay cho người có chuyên môn, cửa hàng sửa xe hướng dẫn hoặc đến tận nơi khắc phục chứ không nên kéo, đẩy xe trên đường gây mất an toàn.

Và quan trọng hơn, chủ xe nên thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ các bộ phận của xe như động cơ, dầu máy, hệ thống điện (ắc-quy, bộ đề, IC, dây dẫn điện, mát phát,...); đồng thời luôn kiểm tra lượng xăng trong bình và kịp thời bổ sung để hạn chế tối đa việc xe phải "nằm đường", mất rất nhiều thời gian để giải quyết.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!