Dân buôn xe máy cũ "ngáp ngắn ngáp dài"

Theo ghi nhận của PV VietNamNet, thị trường xe máy cũ tại Hà Nội lâm vào cảnh ế ẩm chưa từng thấy, ngay cả khi đã hết tháng Ngâu.

Tại chợ xe máy cũ lớn bậc nhất Hà Nội nằm trên phố Chùa Hà (quận Cầu Giấy), lượng xe cần bán thì nhiều, còn người mua chỉ lưa thưa.

Anh Tuấn H. - chủ một cửa hàng xe máy cũ khá lớn tại đây cho biết, trước đây, trung bình mỗi tháng cửa hàng của anh bán được 10-15 chiếc, có đợt cao điểm còn có thể bán được 25-30 chiếc. Tuy nhiên trong cả tháng Ngâu vừa qua anh chỉ bán ra được đúng 2 chiếc.

Một góc chợ xe máy cũ trên phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Theo anh H., tâm lý kiêng kỵ trong tháng Ngâu chỉ là một phần nhỏ, quan trọng nhất là nhu cầu của người mua xe là không cao. Ngay cả khi kết thúc tháng 7 âm lịch nhưng lượng người đến xem hoặc gọi điện hỏi xe cũng không cải thiện là bao.

Ngoài ra, anh H. cho rằng, người mua xe cũ ngại làm thủ tục về biển số định danh theo quy định có hiệu lực từ 15/8.

“Xe cũ bây giờ khi bán phải thu hồi biển số, rồi lại mất thời gian đăng ký lại, ít nhất mất vài tuần. Chưa kể đa số xe máy cũ đã qua nhiều đời chủ, rất khó tìm lại chủ cũ để giải quyết giấy tờ thủ tục. Trong khi trước đây chỉ cần giấy tờ mua bán là xong", anh H. chia sẻ.

Cũng là chủ một cửa hàng kinh doanh xe máy cũ trên phố Chùa Hà, chị Minh T. cho biết, hiện trong kho của cửa hàng có khoảng 80 chiếc xe, giá rao bán từ gần 10 triệu đến hơn 40 triệu, nhưng trong đó có đến 70 chiếc không xác định được chủ cũ. 

Theo chị T., với những xe không chính chủ mà qua nhiều đời chủ thì rất khó thực hiện sang tên cho chủ mới, bởi họ phải làm cam kết, không tranh chấp tài sản, không phải xe ăn trộm ăn cắp rồi còn phải nộp phạt nữa... Đủ quy trình cũng phải sau 30 ngày mới hoàn thiện. Tâm lý của người đi mua xe cũ là muốn nhanh gọn, trả tiền giao xe ngay, thế nên họ thấy e ngại với các thủ tục này. 

Cảnh vắng vẻ, đìu hiu vẫn hiện hữu tại các chợ xe máy cũ. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Khách mua xe 'ngại' biển số định danh

Hoàn cảnh như của chị T., anh H. tại Chùa Hà không phải hy hữu mà hầu hết các cửa hàng, người kinh doanh xe máy cũ đều rơi vào tình trạng ế ẩm này, chưa biết bao giờ mới được cải thiện.

Theo nhiều chủ cửa hàng kinh doanh xe máy cũ, ngoài việc thất thu do giá xe giảm kịch sàn, thậm chí phải bán lỗ thì chủ các cửa hàng cũng tốn khoản tiền lớn để chi trả các loại phí như thuế phí, tiền thuê cửa hàng, bến bãi gửi xe,… do hàng lưu không bán được.

Về phía người mua, nhiều khách hàng có nhu cầu mua xe máy cũ cho biết, họ ngại mua những chiếc xe cũ đã qua nhiều đời chủ tại các chợ xe.

Với xe máy, giá trị không lớn, người dân trước đây có thói quen mua bán trao tay mà ít người đăng ký lại chính chủ. Thế nên, việc tìm được chủ cũ với nhiều chiếc xe chẳng khác nào "mò kim đáy bể".

Anh Hoàng Minh Long (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tìm đến cửa hàng xe máy cũ với mong muốn mua cho con trai mới vào đại học một chiếc xe tay ga tầm giá khoảng hơn 20 triệu đồng.

Anh khá "kết" một chiếc Honda AirBlade mang biển số Hà Nội, có giấy tờ đầy đủ, nhưng lại không xác định được chủ cũ ở đâu. Nghĩ đến cảnh đi làm thủ tục thu hồi biển, rồi chờ đợi nhiều ngày để được cấp biển số mới, hai bố con anh Long đã phải tính toán lại.

"Xe thì cháu đang cần ngay để đi học mà phải chờ đợi rất mất thời gian, thế nên tôi đã bàn lại với cháu là với số tiền này nên mua một chiếc xe số mới để đi, vừa yên tâm về chất lượng vì là xe mới, lại mang đi đăng ký được luôn. Sau 4 năm học đại học rồi đổi xe sau cũng chưa muộn", anh Long chia sẻ.

Còn anh Vũ Văn Lâm (Hoài Đức, Hà Nội) tìm mua và chấp nhận "xuống tiền" một chiếc Honda Super Dream (Dream Việt) với giá 9 triệu đồng, nhưng lại không có ý định sang tên đổi chủ và đăng ký lại.

"Thấy trên mạng có cửa hàng rao bán với giá khá rẻ, lại đầy đủ giấy tờ nên anh tìm đến xem rồi mua luôn. Chiếc xe có mấy triệu nên chẳng cần sang tên lấy biển làm gì cho tốn kém, tôi cũng chỉ mua để lấy phương tiện đi lại, ship hàng thôi mà", thanh niên 29 tuổi này nói.

Nhiều người mua xe máy cũ "tặc lưỡi" sử dụng luôn vì cho rằng làm thủ tục sang tên, cấp biển số là "một tiền gà, ba tiền thóc". (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Từ 15/8, biển số ô tô, xe máy đã được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe, còn gọi là biển số định danh, theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an.

Theo đó, mỗi một phương tiện xe sẽ có một biển số đi theo người được gọi là "biển số định danh". Với biển xe 5 số sẽ mặc định biển số định danh sẽ gắn với người đứng tên trên đăng ký; các biển xe 3 số hoặc 4 số không được định danh nhưng vẫn phải thu hồi khi chuyển nhượng.

Nếu mua ô tô, xe máy không chính chủ, người dân phải đến cơ quan quản lý hồ sơ xe đó để làm thủ tục thu hồi và đăng ký sang tên mình. Trường hợp cơ quan quản lý hồ sơ đồng thời là nơi đăng ký xe trước đây sẽ không phải làm thủ tục thu hồi.

Người sở hữu phải nộp giấy khai đăng ký xe, trong đó ghi rõ quá trình mua bán và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc xe; nộp thêm chứng từ chuyển quyền sở hữu của chủ xe và người bán cuối cùng (nếu có), nộp lệ phí trước bạ.

Trường hợp người dùng có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của chủ xe và của người bán cuối cùng, trong hai ngày làm việc, cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi. Xử phạt xong, cơ quan công an sẽ đăng ký sang tên theo quy định.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!