Đó là trường hợp của anh Trần Minh Trung (trú tại phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) điều khiển xe bán tải Nissan Navara màu đỏ mang BKS 86C-176xx lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hôm 17/1/2024.
Phản ánh với PV VietNamNet, anh Trần Minh Trung kể, khoảng 8h ngày 17/1, anh lái xe trên cao tốc hướng từ Đồng Nai đi TP.HCM. Bất ngờ, anh nghe thấy có âm thanh lạ ở bánh xe và cảm giác lái có phần hơi lắc. Lo ngại xe có sự cố bất thường, anh Trung lập tức giảm tốc và tấp vào làn dừng khẩn cấp để kiểm tra.
Khi dừng xe, anh Trung không quên bật đèn cảnh báo, phát tín hiệu xe gặp sự cố. Sau khoảng 3-5 phút ngồi trên xe kiểm tra, tắt máy đi, khởi động lại..., anh Trung không thấy màn hình tap-lô nổi đèn cảnh báo gì nhưng với kinh nghiệm nhiều năm cầm vô-lăng, tài xế này nghĩ tới tình huống lốp xe có thể bị dính đinh. Dù vậy, xe vẫn đảm bảo lưu thông được nên anh Trung tiếp tục hành trình. Chiếc bán tải Nissan Navara sau đó được anh phát hiện có bánh bị đinh găm và đã đưa đi bảo dưỡng.
Chuyện không ngờ tới là mới đây, anh Trung thử tra cứu trên website của Cục CSGT thì tá hỏa phát hiện, chiếc xe của mình có thông báo phạt nguội trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, với lỗi “điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp của đường cao tốc". Mức phạt là 4-6 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng. Tra cứu tiếp ở 2 trang web khác về thông tin phạt nguội, anh Trung cũng nhận được kết quả tương tự.
Chia sẻ với PV VietNamnet, anh Trung khá bức xúc: “Xe của tôi đang lưu thông có vấn đề bất thường nên tôi phải tạt vào làn dừng khẩn cấp để kiểm tra, đảm bảo an toàn. Đó là việc chính đáng. Làn dừng khẩn cấp trên cao tốc là để dành cho các tình huống như vậy. Tôi cũng không hề chạy xe trong làn này, thực tế là chỉ dừng vài phút. Không hiểu sao, camera trên cao tốc ghi nhận là hành vi vi phạm chạy trong làn này. Việc phạt nguội như vậy là không hợp lý".
Để làm rõ vấn đề này, PV VietNamNet đã liên lạc với Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Đội 6, Cục CSGT, Bộ Công an) để tìm hiểu. Theo đó, đại diện của Đội 6 cho hay, nếu xe đang đi trên cao tốc gặp sự cố, tài xế cần bật đèn cảnh báo rồi di chuyển vào làn khẩn cấp. Sau đó, người lái xe cần đặt biển cảnh báo hoặc vật cảnh báo, cách xe đúng quy định (khoảng cách tối thiểu 50m).
Với trường hợp cụ thể của anh Trần Minh Trung, đại diện Đội 6 cho rằng, tài xế di chuyển xe vào làn khẩn cấp và bật đèn cảnh báo nhưng người này "quên" đặt biển cảnh báo theo đúng quy định mà chỉ tập trung giải quyết sự cố của phương tiện. Vì thế, trường hợp này vẫn vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Khi PV VietNamNet chia sẻ lại thông tin này tới anh Trần Minh Trung, vị tài xế này không đồng tình với cách lý giải trên.
"Không phải tình huống sự cố nào cũng là hỏng xe nặng, phải dừng lâu để phải đặt các vật báo hiệu như vậy. Chưa kể, các trường hợp lái xe gặp bất thường về sức khỏe, như có cơn đau tim... thì làm sao có thể đặt các vật dụng cảnh báo như vậy được", anh Trung đặt vấn đề.
Anh cho biết, sẽ làm việc với phía CSGT, đề nghị xem xét lại việc phạt nguội, đồng thời yêu cầu lực lượng chức năng trích xuất camera để thấy rõ anh di chuyển xe hay dừng ở làn khẩn cấp. Tuy nhiên, như thông báo phạt nguội trên trang web tra cứu phạt nguội, anh Trung được kết luận là vi phạm ở hành vi "chạy ở làn dừng khẩn cấp" chứ không phải là lỗi liên quan hành vi "dừng, đỗ xe" như cách giải thích của vị CSGT trên.
Những ngày qua, khi vị chủ xe Nissan trên chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội, nhiều tài xế khác cũng bày tỏ bản thân từng phải dừng xe ở làn khẩn cấp trên cao tốc vì các lý do tương tự như gặp sự cố nhẹ, sức khỏe có vấn đề. Thông thường, các tài xế này cũng chỉ dừng xe ít phút và bật đèn cảnh báo như anh Trung nhưng không hề bị phạt nguội. Đa số ý kiến cho rằng, việc dừng xe trên làn khẩn cấp trong trường hợp xe gặp sự cố là điều “bất đắc dĩ” để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác. Việc xử phạt trong trường hợp này gồm cả phạt tiền và "giam" bằng lái liệu có quá cứng nhắc?
Tài xế Trung cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng cần hướng dẫn cụ thể để người dân biết cách xử lý khi gặp sự cố tương tự.
Các quy định liên quan đến làn dừng xe khẩn cấp trên cao tốc Điểm c, khoản 1, Điều 26 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về giao thông trên đường cao tốc, nêu rõ quy tắc: "Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường". Khoản 3 Điều 26, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định tài xế "chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết". Điểm đ, khoản 1, Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt người điều khiển xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định: "Khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định..." Điểm g, khoản 5, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm đ, khoản 34, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi "điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc" bị phạt từ 3-5 triệu đồng, đồng thời, điểm d, khoản 11, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định "tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng". |
Bạn có ý kiến gì về tình huống trên? Hãy gửi bình luận dưới bài viết hoặc chia sẻ góc nhìn và câu chuyện tương tự về email: [email protected]. Nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!