Đây là loại thiết bị di chuyển cá nhân 2 bánh mang tính đột phá là tự cân bằng với những ưu điểm như di chuyển linh hoạt, điều khiển dễ dàng, chiếm ít không gian. Do vận hành bằng điện nên xe không tạo ra khí nhà kính và tiếng ồn, có thể sử dụng để đi nhanh trên đường, dạo chơi công viên, kể cả khi chủ nhân muốn lướt nhanh tại các siêu thị, sân bay, khu du lịch, nhà xưởng…
Dưới đây là vài mẫu xe điện 2 bánh cân bằng đang thịnh hành trên thị trường hiện nay.
Xiaomi Ninebot Mini
Ninebot Mini có thiết kế tương đối rộng rãi và tạo cảm giác yên tâm cho người sử dụng mà vẫn gọn nhẹ, dễ dàng bỏ lọt trong cốp xe ô tô. Vật liệu chính để cấu thành phần bên trong là hợp kim magie cao cấp, còn bên ngoài là lớp cao su cứng bọc ván trượt và giá đỡ chống mỏi ngang đầu gối. Giá đỡ này có thể điều chỉnh ngang tầm khoảng đầu gối của người dùng, giúp xe cân bằng tốt hơn mà không cần đến tay lái.
Ninebot Mini có trọng lượng vừa phải (12,8kg), có thể tháo ráp linh hoạt và xếp gọn lại. Bên cạnh đó, xe còn có hai cụm đèn LED tạo điểm nhấn và chiếu sáng khi đi trong đêm tối. Sử dụng pin 4.300mAh, sau khi sạc đầy, xe đi được 22km. Vận tốc tối đa của xe đạt 16km/h, khả năng leo dốc tối đa 15o.
Người dùng có thể quản lý chiếc xe điện này thông qua ứng dụng được cài đặt trên smartphone, cụ thể là kiểm soát xe, khóa xe và nhận cảnh báo việc xe đang di chuyển khi đang ở chế độ khóa… Người dùng cũng có thể nâng cấp phần mềm mới cho máy để biết tốc độ xe, mức năng lượng đã tiêu thụ, quãng đường đã đi, tình hình giao thông…
Hiện Ninebot Mini có hai màu trắng và đen với giá bán khoảng 7 triệu đồng.
MonoRover R2
Với hai bánh xe làm bằng cao su chất lượng cao có đường kính 20cm, MonoRover R2 cũng có hình dáng giống như G-Hawk, di chuyển khá trơn tru, chịu tải trọng lên đến 120kg, nghĩa là người hơi “quá khổ” vẫn sử dụng được.
Do kích thước chỉ 468x400x165 (mm) và trọng lượng có 10kg nên có thể để xe trong ba lô mang theo người để sử dụng khi cần.
MonoRover R2 được trang bị động cơ điện, cho phép di chuyển với tốc độ tối đa 20km/h, có thể leo dốc 160. Chiếc xe này cũng được tích hợp tính năng cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người sử dụng qua âm thanh và đèn báo an toàn (trường hợp xe chạy với tốc độ cao hơn 18km/h thì âm thanh sẽ phát ra để cảnh báo).
Pin gắn kèm có dung lượng 4.400mAh, sau khi sạc pin khoảng 3 giờ thì xe có thể chạy được quãng đường từ 18 đến 23km tùy vào trọng lượng của người sử dụng. Khả năng chống thấm nước đạt tiêu chuẩn IP65 nên người dùng có thể thoải mái đi xe dưới mưa hoặc vượt qua đoạn đường ngập nước.
Giá bán MonoRover R2 là 12 triệu đồng.
G-Hawk
G-Hawk rất gọn nhẹ, mới nhìn trông giống như quả tạ để tập cơ bắp tay, có khung bánh xe và bàn đạp làm bằng hợp kim nhôm đúc nguyên khối nên chịu được lực nén cao và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đèn LED trên thân xe có thể được lập trình và cảm ứng tự bật – tắt ánh sáng với cường độ đủ lớn, bảo đảm an toàn cho người di chuyển trong đêm và tạo hiệu ứng ánh sáng bắt mắt.
Đặc biệt, vỏ ngoài của xe có thể thay đổi để phù hợp với từng cá tính người sử dụng. Xe có 5 màu sắc thời trang là đen, đỏ, xanh dương, trắng và vàng kim loại. Chủ nhân có thể dán thêm decal để trang trí cho vỏ ngoài theo sở thích cá nhân.
G-Hawk di chuyển với tốc độ 15 – 20km/h, leo dốc 150. Sau mỗi lần sạc đầy pin, xe có thể chạy 25km. Được ứng dụng công nghệ sạc nhanh nên với bộ sạc tiêu chuẩn kèm theo, pin có thể được sạc đầy trong vòng 60 - 120 phút.
Đáng chú ý là hệ thống cảnh báo thông minh được tích hợp với âm báo kết hợp đèn để cảnh báo các trường hợp xe vượt quá tốc độ cho phép, sắp hết pin hay xảy ra trục trặc bên trong.
Giá bán G-Hawk bản tiêu chuẩn là 9 triệu đồng.
Những chiếc xe 2 bánh tự cân bằng đầu tiên do Công ty Segway Inc (Mỹ) sản xuất nên còn được gọi bằng cái tên Segway. Phương tiện di chuyển cá nhân có 2 bánh này hoạt động dựa trên một cơ cấu tự cân bằng do Dean Kamen sáng chế. Cơ chế tự cân bằng được thiết lập nhờ hệ thống máy tính, động cơ và con quay hồi chuyển đặt bên trong xe, giúp cho xe dù chỉ có một trục chuyển động với 2 bánh nhưng luôn ở trạng thái cân bằng. Để sử dụng được xe, cần phải mất chút thời gian tập giữ thăng bằng như tập trượt patin. Khi đã quen với việc giữ cân bằng, người sử dụng có thể tiến lên, lùi lại bằng cách dồn trọng tâm về phía trước hay phía sau. Tương tự, có thể rẽ trái hoặc rẽ phải bằng cách thay đổi trọng tâm từ chân trái sang chân phải hoặc ngược lại. |
(Theo DNSG Online)