Xe bị kẹt chân ga, nỗi ám ảnh của tài xế

Kẹt chân ga được xem như là “nỗi ác mộng” của bất kỳ ai lái xe ô tô. Bởi nếu không xử lý kịp thời, người lái có thể rơi vào tình huống nguy hiểm cho bản thân và cả mọi người xung quanh. Trên thực tế cũng có không ít vụ việc kẹt chân ga gây tại nạn kinh hoàng xảy ra ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

{keywords}
Xe đang chạy bị kẹt chân ga, “nỗi ác mộng” của cánh tài xế ô tô

Anh Nguyễn Minh Thuận (Quận Long Biên, Hà Nội) kể về trường hợp xe Nissan X Trail của mình cách đây hơn 1 năm cũng từng bị kẹt chân ga khi đang chạy trên đường từ Hà Nội về quê Ninh Bình khiến anh vô cùng hoảng sợ và suýt gây tai nạn nghiêm trọng.

Nhớ lại giây phút thót tim đó, anh Thuận kể: “Lúc đang lái xe với tốc độ không quá nhanh khoảng 50-60km/h thì bỗng nhiên có một khoảng thời gian tôi đạp chân ga rồi nhả ga nhưng xe không tự giảm tốc được ngay cả khi tôi cố gắng đạp phanh. Sau khoảng 2 phút hốt hoảng sợ run cả người vì trong xe lúc đó có cả vợ và con, tôi mới bắt đầu bình tĩnh xử lý trả về số N, kéo phanh tay để chống trôi xe rồi mới bắt đầu tắt máy”.

Ngay sau đó, anh Thuận đã phải gọi cứu hộ để đưa chiếc xe mình về garage gần nhất để kiểm tra, xử lý lỗi.

“Nói thật lúc đó, mặc dù đã xử lý được và xe quay lại trạng thái bình thường rồi nhưng tôi cũng không dám chạy tiếp vì sợ nguy hiểm”, anh Thuận chia sẻ.

Cũng gặp tình huống trớ trêu không khác gì anh Thuận, chị Trần Thị Thúy Nga ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, chị cũng từng gặp trường hợp lái xe Mitsubishi Mirage kẹt chân ga.

“Lúc đi thi B2 mình bị tình huống kẹt chân này, mới qua được dốc cầu, đến cua đầu tiên tự nhiên nó hú ga ầm ầm. Đang thi làm sao? Đạp côn sát sàn, rà phanh dừng xe. Gọi đội hỗ trợ kỹ thuật, sau khi xử lý xong, nín thở hoàn thành bài thi. Rồi cũng xong, từ ngày đó tới giờ, toàn lái số tự động, nhưng cũng sợ tình huống này lắm... chính vì thế, về dây ga mình luôn tra dầu...”, chị Nga kể.  

Sau sự cố của mình, chị Nga cho rằng, vào tình huống khẩn cấp, giữ được bình tĩnh là điều quan trọng và cần thiết hơn hết. Bởi khi bình tĩnh, lái xe mới đủ sáng suốt để xử trí mọi vấn đề.

Vì sao xe ô tô bị kẹt chân ga và xử lý thế nào?

Vì sao xe ô tô bị kẹt chân ga là câu hỏi luôn được nhiều tài xế quan tâm. Tuy nhiên theo các chuyên gia rất khó để lý giải và để đưa ra câu trả lời thỏa đáng.

Bởi trước đây, có rất nhiều các hãng xe lớn đã triệu hồi xe với quy mô lớn liên quan đến lỗi này. Thế nhưng, câu trả lời chỉ xoay quanh vấn đề lỗi về điện tử hay cơ khí. Như vậy, vấn đề kẹt chân ga có thể xảy ra với nhiều loại xe khác nhau và trong bất cứ tình huống nào. Người lái xe cần nên hình dung, lường trước và tìm hiểu các bước xử lý khi xe ô tô bị kẹt chân ga.

Anh Long Nguyễn, ở Đống Đa, Hà Nội, một tài xế có kinh nghiệm 13 năm lái xe cho biết: "Tôi thấy, ở Việt Nam chưa ghi nhận tai nạn nào liên quan tới "kẹt chân ga" do lỗi kỹ thuật mà đa số do người mới biết lái xe khi gặp tình huống bất ngờ thường không nhấc chân ga lên để đạp thắng được".

"Trên thế giới, đã từng ghi nhận sự cố kẹt chân ga ở xe Lexus ES năm 2009 của hãng Toyota khiến gia đình người Mỹ có 4 người thiệt mạng. Nói riêng ở Việt Nam thì khái niệm 'kẹt chân ga" là do nguyên nhân vật lý, nhiều nhất là kẹt thảm trải sàn, do dị vật gây ra...", anh Long Nguyễn nhìn nhận.

{keywords}
Ô tô bị kẹt chân ga do tấm trải sàn xe cũng thường xuyên xảy ra. 

Anh Nguyễn Minh Đức, chủ garage sửa chữa ô tô khá lớn tại Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội cho biết, đầu tiên phải xác định được các dấu hiệu cho thấy xe ô tô đang kẹt chân ga qua đồng hồ tua máy đột ngột dâng cao trên 3000 rpm (vòng/phút), xe đột ngột tăng tốc và không tự giảm tốc khi nhả ga hay đạp phanh.

Cũng theo anh Đức, khi xảy ra trường hợp này, người lái cần tuyệt đối không được tắt máy bởi tắt máy, sức ỳ động cơ có thể làm các bánh dừng đột ngột gây hiện tượng bánh mất độ bám đường khiến xe trượt không kiểm soát.

"Đồng thời khi tắt máy như vậy, một số xe sẽ xảy ra hiện tượng khóa vô lăng, lúc này chúng ta không khác gì đang ngồi trong cỗ quan tài di động không thể điều khiển. Không được phanh liên tục trong khi xe chưa giảm ga sẽ gây hiện tượng cháy phanh, bạn sẽ mất đi một công cụ cực kỳ quan trọng để giảm tốc", anh Đức cho biết.

Anh Đức lưu ý thêm, không chuyển làn liên tục hay cố đi gần sát lề đường vì những phương tiện gần lề đường có xu hướng di chuyển tốc độ chậm hoặc chuẩn bị dừng đỗ trong khi xe đang khóa cứng ở tốc độ cao rất dễ gây va chạm. 

"Quan trọng nhất là tài xế không được mất bình tĩnh bởi khi mất bình tĩnh thì chắc chắn 90% sẽ xảy ra va chạm", anh Đức nhấn mạnh. 

Anh Thiên Nghiêm, đại diện garage xe ô tô Đ.Nam ở Từ Liêm, Hà Nội cũng cho rằng, trong trường hợp khẩn cấp xe bỗng nhiên kẹt chân ga, lái xe nên bật đèn tín hiệu khẩn cấp, còi liên tục báo hiệu cho các phương tiện xung quoanh. Đối với xe số sàn thì cắt côn, chuyển dần về các số thấp hơn kết hợp với phanh để giảm tốc. Kỹ thuật này còn gọi là phanh bằng số.

Đối với xe số tự động, chuyển số về N để xe chạy không tải, kết hợp phanh để giảm tốc. Khi xe đã giảm tốc đến tốc độ an toàn, từ từ di chuyển về sát lề đường hoặc khu đất trống (nếu có), tiếp tục giảm tốc đến khi xe dừng lại hẳn

"Cuối cùng về số N (đối với cả 2 loại xe), kéo phanh tay để chống trôi xe, vẫn giữ đèn báo hiệu nguy hiểm, tắt máy, gọi cứu hộ", anh chia sẻ. 

Chi Bảo 

Hơn 400 khách Việt 'tố' lỗi chảy dầu trên Ford Ranger và Everest

Hơn 400 khách Việt 'tố' lỗi chảy dầu trên Ford Ranger và Everest

Cộng đồng những người sử dụng xe Ford đang khá hoang mang khi mới đây, có tới 400 khách hàng đi Ford Ranger Wildtrak 2.0L Bi-Turbo  và Ford Everest gặp hiện tượng rò rỉ dầu ở cổ hút turbo và mặt cam động cơ trên xe.