LTS: Vụ tai nạn giao thông tại Long An đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong hai ngày qua. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Khuất Việt Hùng, chuyên gia GTVT, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Việt Nam về vấn đề này.

Chiều ngày 2/1, một vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại Bến Lức, Long An. Một xe container đâm thẳng vào đám đông các xe máy đang dừng chờ đèn đỏ gây nên hậu quả rất thảm khốc, làm 4 người chết và hàng chục người bị thương, hàng chục chiếc xe máy bị vò nát tạo nên những hình ảnh vô cùng ám ảnh.

Với những thông tin ban đầu về hành vi sử dụng ma túy và rượu bia khi điều khiển phương tiện cơ giới, gần như chắc chắn lái xe container sẽ phải chịu những hình phạt của pháp luật.

Câu hỏi đặt ra là liệu việc truy tố và xử phạt lái xe thậm chí với khung hình phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật hiện hành có giải quyết được vấn nạn TNGT liên quan tới xe tải, xe container hiện nay?

Có lẽ không khó để tìm ra câu trả lời: nếu chỉ xử phạt lái xe thì không giải quyết được tận gốc vấn đề, vì hành vi vi phạm trên chỉ là phần nổi của tảng băng. Bản thân người lái xe là tổng hòa các quan hệ xã hội, bởi vậy các giải pháp bài bản đòi hỏi phải phân tích toàn diện các yếu tố gián tiếp có liên quan từ đó có những thay đổi cần thiết trong cả hệ thống.

Xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm

Khi vụ việc đau xót trên xảy ra, việc đầu tiên cần làm là điều tra, phân tích và xử lý theo đúng quy định pháp luật, trong đó hành vi sử dụng ma túy khi lái xe liên quan trực tiếp tới trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kiểm tra cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho lái xe. Tuy nhiên, doanh nghiệp vận tải quản lý lái xe chắc chắn có trách nhiệm rất lớn trong việc theo dõi, giám sát tình trạng sức khỏe của lái xe và điều này cần được làm rõ.

Ngoài ra, nếu công tác tuyên truyền và kiểm tra giám sát được tiến hành thường xuyên liên tục thì liệu doanh nghiệp và lái xe có thể vi phạm như vậy được không? Tại sao trên một tuyến đường được tuyên truyền, tuần tra kiểm soát tốc độ tốt thì không những lái xe tại địa phương, mà các lái xe các địa phương khác khi đi qua cũng nghiêm túc chấp hành rất tốt! Theo cách tiếp cận này, các cơ quan chức năng tại địa phương, các tổ chức có trách nhiệm quản lý doanh nghiệp vận tải cũng không hoàn toàn vô can. 

{keywords}
Hiện trường vụ tai nạn ở Bến Lức, Long An làm 4 người tử vong. Ảnh: Như Sỹ

Những bất cập trong quy định pháp luật

Luật Giao thông đường bộ hiện nay cho phép cá nhân có liên quan đến tai nạn có thể dời đi vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

Đây là một bất cập. Mặc dù đã có trường hợp người gây TNGT bị hành hung, nhưng điều đó không thể là lý do cho việc cho phép họ rời khỏi hiện trường. Vì như vậy là đã dùng một cái sai (cho phép dời đi) để chữa một cái sai khác (chấp nhận việc người dân tự hành xử không theo quy định).

Quy định “Phải đến trình báo ngay” cũng là một yếu tố định tính chung chung có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Trong vụ TNGT trên, lái xe đã rời khỏi hiện trường và chỉ ra trình diện sau 7 giờ đồng hồ, nhiều vụ khác chỉ ra trình diện sau một vài ngày.

Điều này tưởng như vô hại nhưng là vấn đề lớn. Vì sau một thời gian dài như vậy các yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị thay đổi (ví dụ nồng độ cồn tại thời điểm tai nạn) dẫn tới việc không nhận dạng được nguyên nhân đích thực. Không xác định đúng nguyên nhân thì không thể có giải pháp trúng.

Hiện nay một số hành vi vi phạm trật tự ATGT có mức độ nguy hiểm và hậu quả tiềm tàng rất lớn, hoàn toàn đủ yếu tố cấu thành để có thể xử phạt về mặt hình sự nhưng lại mới chỉ bị xử phạt hành chính, dẫn tới hiệu lực thực thi và tính răn đe chưa cao. Chẳng hạn hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định về nồng độ cồn khi lái xe nhưng chưa gây hậu quả, hành vi rải đinh trên đường cao tốc, chống người thi hành công vụ khi tham gia giao thông...

Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển coi vi phạm trật tự ATGT là một loại tội phạm và một số hành vi vi phạm nghiêm trọng được xử lý qua hệ thống tư pháp thông qua các án lệ nên hiệu lực thực thi, tính răn đe, giáo dục rất cao. Năm 2007, Ba Lan đã xử phạt hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn khi lái xe qua hệ thống tư pháp theo án lệ, trong vòng 24 giờ tòa án sẽ tuyên phạt và có hiệu lực ngay. Đây là một trong những giải pháp được Hội đồng ATGT châu Âu đánh giá là rất hiệu quả trong giảm hành vi uống rượu bia khi lái xe tại Ba Lan.

Bởi vậy việc bổ sung những hành vi vi phạm mang tính cố ý, đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chưa gây hậu quả vào Luật hình sự là điều hết sức cần thiết.

Một bất cập lớn hiện nay trong pháp luật ATGT là việc xử lý trách nhiệm các doanh nghiệp gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng còn khá dễ. Trong khi trên thế giới nếu gây TNGT có hậu quả lớn, doanh nghiệp sẽ phải trải qua một quy trình theo dõi, giám sát hết sức chặt chẽ, ban lãnh đạo phải tập huấn lại về ATGT, lái xe vi phạm phải thi lại cả lý thuyết và thực hành với chương trình sát hạch khó hơn...

Hiện nay Việt Nam cũng chưa có công cụ kinh tế để khuyến khích lái xe an toàn, (như việc thay đổi bảo hiểm với các lái xe và doanh nghiệp vi phạm), chưa có cơ chế khuyến khích ưu đãi cho các doanh nghiệp có chứng chủ quốc tế về quản lý ATGT đường bộ ISO 39001...

Cuối cùng cần phải kể đến bất cập trong quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý liên quan tới ATGT. Trong khá nhiều các văn bản pháp luật liên quan tới ATGT hiện nay, có rất nhiều quy định cụ thể đối với người dân và doanh nghiệp, nhưng phần quy định các công việc cụ thể tương ứng đối với cơ quan quản lý lại rất hạn chế, dẫn tới tình trạng có thể thực hiện hoặc không mà không hề bị xử lý. Trong khi bản chất quy định pháp luật cần điều tiết và giám sát với cả chủ thể bị quản lý (người dân, doanh nghiệp) và chủ thể quản lý (cơ quan quản lý nhà nước).

Có thể nói những bất cập về mặt pháp luật là những vấn đề có ảnh hưởng lớn nhất, nhưng lại hoàn toàn có thể được giải quyết nhanh và có tác dụng tích cực rất lớn.

TS. Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Việt Nam.

Đón đọc Phần 2: Những bất cập khác và giải pháp xử lý hữu hiệu