6 Thứ trưởng của Bộ Tài chính sẽ được khoán tiền sử dụng xe công từ 3,96 triệu đồng đến mức cao nhất là 9,9 triệu đồng/người/tháng cho 2 chặng từ nơi ở đến nơi làm việc mỗi ngày.

Theo Quyết định 1997, từ 1/10 tới, Bộ Tài chính sẽ áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh thứ trưởng, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ.

Đơn giá sẽ áp theo giá taxi, cao nhất là 15.000 đồng một km.

Theo đó, 6 Thứ trưởng của Bộ này sẽ được khoán tiền sử dụng xe công từ 3,96 triệu đồng đến mức cao nhất là 9,9 triệu đồng/người/tháng cho 2 chặng từ nơi ở đến nơi làm việc mỗi ngày.

Cụ thể, các Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Chí và Trần Xuân Hà sẽ có mức khoán kinh phí sử dụng là 9,9 triệu đồng/tháng (với số km khoán tương đương là 15 km/lượt).

{keywords}
Xe công ở trụ sở Bộ Tài chính. Ảnh: L.Bằng

Thứ trưởng Vũ Thị Mai và Thứ trưởng Trần Văn Hiếu được áp dụng mức kinh phí sử dụng xe công là 5,28 triệu đồng, tương đương với số km đi là 8 km/lượt.

Chỉ có Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải được áp dụng mức khoán thấp nhất với số tiền 3,96 triệu đồng do khoảng cách đi lại là 6 km/lượt.

Trong báo cáo đánh giá tác động của dự Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp khai mac ngày 22/10 tới, Bộ Tài chính cho hay, theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công, máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến được quy định trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thế nhưng điều này chưa bắt buộc áp dụng mà chỉ do cán bộ, công chức tự nguyện đăng ký. Vì vậy, việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả. 

Theo Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản nhà nước thì tổng số xe ô tô công hiện có đến ngày 31/7/2016 là 37.637 xe (không bao gồm xe ô tô trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, doanh nghiệp nhà nước). Trong đó, xe ô tô phục vụ chức danh là 901 chiếc; xe ô tô phục vụ công tác chung là 22.767 chiếc; xe ô tô chuyên dùng là 13.969 chiếc.

Tuy nhiên, qua báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương thì hiện nay hầu như chưa thực hiện được cơ chế khoán xe công. Trong khi đó, xu hướng không trang bị xe công bằng hiện vật mà chuyển sang cơ chế thuê hoặc khoán được nhiều nước áp dụng.

Chính vì vậy, khi xây dựng dự thảo Luật này, Bộ Tài chính đã đưa vào quy định bắt buộc áp dụng cơ chế thuê, khoán kinh phí đối với một số loại tài sản công (xe ô tô, điện thoại công vụ, điện thoại di động).

Điều này sẽ có nhiều lợi ích, đặc biệt là tiết kiệm nguồn ngân sách đáng kể, tránh lãng phí.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, chi phí của ngân sách nhà nước để vận hành 1 xe ô tô bình quân khoảng 320 triệu đồng/xe/năm.

Cụ thể, số tiền bỏ ra để “nuôi” một lái xe (lương, các khoản thanh toán cá nhân và công tác phí, phòng nghỉ cho lái xe khi đi công tác) là khoảng 100 triệu/năm; Xăng, dầu khoảng 90 triệu/năm; Hao mòn xe khoảng 70 triệu/năm; Chi phí khác có liên quan như, bảo hiểm, phí cầu đường, bảo dưỡng, sửa chữa,... khoảng 60 triệu.

Như vậy, Bộ Tài chính cho rằng, nếu mức kinh phí khoán là 20 triệu đồng/người/tháng thì khi thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với một số chức danh sẽ giúp giảm chi ngân sách nhà nước 80 triệu đồng/xe/năm.

Nếu mức kinh phí khoán là 15 triệu đồng/người/tháng thì sẽ giúp giảm chi ngân sách nhà nước 140 triệu đồng/xe/năm.

Tác động tiêu cực của phương án này chỉ là “tác động tới tâm lý, thói quen sử dụng tài sản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân” và “đòi hỏi phải nghiên cứu, xây dựng mức khoán hợp lý”.

Lương Bằng