Tại cuộc họp báo Bộ Nội vụ chiều tối nay, báo chí đặt câu hỏi về việc xe công vào sân bay đón người nhà Bộ trưởng Công thương liệu có vi phạm Quy định về trách nhiệm nêu gương mà TƯ vừa ban hành và Đề án Văn hoá công vụ Thủ tướng vừa ban hành. 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thông tin, chiều qua Bộ Công thương đã có văn bản giải thích về vấn đề này. Bộ trưởng Công thương đã nhận trách nhiệm và có thư xin lỗi công khai.

{keywords}
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng


Luật quy định rõ những điều cấm

Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh nêu quan điểm, trước hết, cán bộ, công chức phải thực thi công vụ theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi hoạt động công vụ của mình.

Theo ông, luật Cán bộ công chức quy định rất rõ những điều cấm cán bộ công chức làm (trước đây pháp lệnh Cán bộ công chức, viên chức đã có quy định). Trong đó có nội dung, cán bộ công chức không được lợi dụng vị trí, ảnh hưởng của mình để mưu cầu các lợi ích riêng. Quyền lợi, chế độ của cán bộ công chức cũng đã được quy định trong luật.

"Chúng ta là đảng viên, là cán bộ lãnh đạo, quản lý còn phải thực hiện các quy định của Đảng" - ông Minh nói và cho hay: Trước đây có 2 văn bản mà chúng ta vẫn đang thực hiện và mới đây có Quy định của TƯ về trách nhiệm nêu gương.

{keywords}
Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh

"Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính nhấn mạnh không phải chúng ta ra nghị quyết TƯ 8 để phủ định hai nghị quyết trước đây mà vẫn tiếp tục thực hiện. Đồng thời, qua đó để tiếp tục thực hiện nghị quyết TƯ 4 khoá 12 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đề cao trách nhiệm nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên", ông Minh nói.

Trưởng Ban Tổ chức TƯ cũng nói rõ 6 nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, trong đó có phương thức lãnh đạo bằng hình thức nêu gương: Đảng viên đi trước làng nước đi sau; Cán bộ đảng viên phải gương mẫu thực hiện. Đặc biệt, người đứng đầu đơn vị càng phải có trách nhiệm gương mẫu hơn.

'Chúng tôi nghĩ là một sơ suất'

Ông Minh nhấn mạnh, các cán bộ vi phạm việc này là vi phạm các quy định của Đảng và các quy định của luật Cán bộ công chức.

"Chúng tôi nghĩ đây là một sơ suất, có thể do trách nhiệm của anh em tham mưu chưa thực sự suy nghĩ chín chắn thôi. Cũng chưa thể khẳng định là anh em có sự nịnh bợ lấy lòng cấp trên" - ông Minh nói.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho rằng, nhiều khi anh em dùng từ nôm na là “kính chẳng bõ phiền”. Nhiều khi anh em hay nói: “Anh phải thế này thế kia mới xứng tầm". Nếu lãnh đạo tặc lưỡi một cái là nhiều khi vi phạm.

"Tôi làm văn phòng tôi biết, nhiều khi anh em muốn thủ trưởng đi công tác cũng đàng hoàng một tí", ông chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Minh cũng lưu ý, cán bộ phải nắm được luật, nắm được các quy định của Đảng và Nhà nước, các chế độ được hưởng, xem có vượt quá quy định không. Cái gì vượt ngoài quy định thì không nên vận dụng. 

Ông Minh dẫn chứng ở Bộ Nội vụ, Bộ trưởng rất gương mẫu trong việc thực hiện các quy định.

"Đi công tác, đi địa phương, Bộ trưởng đều đúng quy định của nhà nước, không có gì vượt hơn. Trong công tác phục vụ, chúng tôi thấy đồng chí Bộ trưởng thực hiện đúng tinh thần nêu gương, rất gương mẫu, không chỉ bằng lời nói mà trong từng hành động, công việc cụ thể", ông nói.

Nịnh vì động cơ không trong sáng còn rất nhiều ý kiến khác nhau

Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước Lê Anh Tuấn cho biết, Đề án Văn hóa công vụ là đề án tương đối khó, trong quá trình xây dựng còn có nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau, bản thân từ khái niệm thuật ngữ văn hóa công vụ cho đến nội dung trong đề án liên quan đến hành vi, chuẩn mực ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.

Gần đây báo chí có đề cập đến câu chữ trong Đề án như thế nào là hành vi "nịnh”, “nịnh vì động cơ không trong sáng”, “tham nhũng vặt”… “Qua thuật ngữ, chẻ câu chữ thì còn rất nhiều ý kiến khác nhau”, ông Tuấn thông tin.

Theo ông, qua đề án, có thể nói đến 4 nội dung cơ bản.

Thứ nhất, liên quan đến tinh thần và thái độ làm việc của cán bộ, công chức, điều này xuất phát từ đặc điểm, yêu cầu của văn hóa công vụ trong thời gian tới cần phát huy, nâng cao hiệu quả làm việc cũng như tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức. Điều này đã được quy định một số nội dung cơ bản trong luật Cán bộ, công chức.

Thứ hai, đề án bổ sung thêm một số chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đối với đồng nghiệp, với cấp trên cũng như một số bộ phận có chức vụ quản lý. Điều này xuất phát từ thực trạng thời gian qua, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, chưa nhận thức được vai trò của văn hóa công vụ nên trong ứng xử ở cơ quan với nhau, giữa cấp trên và với bên ngoài cũng còn nhiều vấn đề, phải đặt vấn đề nâng cao chuẩn mực giao tiếp.

Thứ ba, quy định về chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, cần phải nâng cao đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức. Một số nội dung đã được kế thừa quy định trong Quyết định 129/QĐ-TTg về văn hóa công sở và một số quy định khác.

Thứ tư là quy định về trang phục của cán bộ, công chức, đi kèm với đó có chế tài liên quan đến các giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan như luật Cán bộ, công chức, luật Viên chức... Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức thực hiện các quy định, tổ chức thực hiện tốt các quy định; thanh tra, kiểm tra, giám sát hàng năm.

Thu Hằng

Sếp không ưa nịnh, công chức muốn cũng chẳng nịnh được

Sếp không ưa nịnh, công chức muốn cũng chẳng nịnh được

Theo TS Nguyễn Viết Chức, không có cấp dưới nào muốn nịnh bợ cả, chẳng qua do cấp trên không gương mẫu.