Người đến nhận lại xe phải là người vi phạm có phương tiện bị tạm giữ, chứ không phải là người cho mượn xe.

Hỏi:

Tôi có cho người thân mượn xe máy đi công việc, người này vi phạm luật giao thông và bị CSGT tạm giữ xe của tôi. Sau đó người này giao lại biên bản xử phạt và nói tôi lên làm thủ tục nhận lại xe. Xin hỏi vậy tôi đi nhận lại xe có được không?

Nguyễn Hoàng Minh (Biên Hòa, Đồng Nai)

Trả lời:

{keywords}

Theo Điều 9 Thông tư 47/2014/TT-BCA thì trình tự, thủ tục trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ quy định như sau: Việc trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải có quyết định trả lại bằng văn bản của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.

Khi trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện tiến hành các thủ tục sau:

- Kiểm tra quyết định trả lại; kiểm tra CMND và giấy tờ khác có liên quan của người đến nhận. Người đến nhận lại tang vật, phương tiện phải là người vi phạm có tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu những người nêu trên ủy quyền cho người khác đến nhận lại tang vật, phương tiện thì phải lập văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật.

- Yêu cầu người đến nhận lại tang vật, phương tiện đối chiếu với biên bản tạm giữ để kiểm tra về tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, năm sản xuất, số máy, số khung, dung tích (nếu có), tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của cán bộ quản lý.

- Lập biên bản trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

Vậy người đến nhận lại xe phải là người vi phạm có phương tiện bị tạm giữ, chứ không phải là người cho mượn xe. Nếu người cho mượn đi làm thủ tục nhận xe thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật.

(Theo Pháp luật TP.HCM)