W-1 Metro Nhổn   Ga Hà Nội.jpg

Tàu metro Nhổn - Ga Hà Nội chính thức vận hành, khai thác thương mại đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) từ 8/8. Tuyến đường sắt có lộ trình đi thẳng vào trung tâm, xuyên qua những khu dân cư đông đúc và nhiều trường đại học. 

W-3 Metro Nhổn   Ga Hà Nội.jpg

Ghi nhận của phóng viên sau gần 3 tháng tuyến metro hoạt động, vào khung giờ cao điểm sáng và chiều, các toa tàu luôn đông đúc. Phần lớn hành khách sử dụng phương tiện vận tải công cộng mới của Thủ đô là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng.

W-4 Metro Nhổn   Ga Hà Nội.jpg

Phan Thảo Nguyên (19 tuổi, quận Bắc Từ Liêm), sinh viên năm nhất Trường Đại học Công nghiệp chuyển sang sử dụng tàu metro từ những ngày đầu tuyến đường sắt này đưa vào khai thác. “Nhà em cách trường 7 km, ngày thường nếu di chuyển bằng xe buýt sẽ mất khoảng 25-30 phút, nay chỉ còn 10 phút. Sinh viên còn được ưu đãi vé tháng khi đi tàu. Ưu điểm là chạy đúng giờ, không phải đợi lâu, không bị ùn tắc như đi xe buýt. Tranh thủ thời gian trên tàu, em còn có thể giải trí, xem lại bài vở nếu cần”, Nguyên chia sẻ. 

W-5 Metro Nhổn   Ga Hà Nội.jpg

Cùng chiều lưu thông với tàu metro Nhổn, các tuyến buýt vẫn đông đúc khách như trước. Vào giờ cao điểm, sinh viên và người lao động vẫn đứng chen chúc ở các trạm chờ như bao năm qua.

W-10 Metro Nhổn   Ga Hà Nội.jpg

Giờ tan tầm, các tuyến buýt cùng chiều với tuyến metro Nhổn đông nghẹt hành khách. Nhiều người không sử dụng tàu điện vì lý do ga lên xuống chưa thuận tiện, đồng thời chặng chạy trên cao vẫn ngắn so với hành trình của họ. 

W-6 Metro Nhổn   Ga Hà Nội.jpg

Còn vào khung giờ bình thường, những chiếc xe buýt chạy dọc trục đường này thưa thớt khách hơn. Hình ảnh lúc 14h30 chiều 1/11 trên xe tuyến số 32.

W-7 Metro Nhổn   Ga Hà Nội.jpg

Nông Khánh Huyền (20 tuổi, sinh viên) cho biết, tuy nhà ở gần ga tàu điện nhưng xe buýt vẫn luôn được cô ưu tiên. "Nếu đi tàu điện, muốn đến trường, em chỉ có thể xuống tàu tại ga Đại học Quốc gia rồi đi bộ thêm một đoạn dài. Trong khi đó nếu đi xe buýt, xe sẽ dừng ngay trước cổng trường gần ngã tư Nguyễn Phong Sắc”, Huyền nói. 

W-8 Metro Nhổn   Ga Hà Nội.jpg

Bà Nguyễn Thị Năm (67 tuổi, quận Hoàng Mai) làm nghề trông trẻ tại khu vực Bắc Từ Liêm. Với bà, dù biết có tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội nhưng vẫn chỉ đi lại bằng xe buýt tuyến số 32. “Tôi chỉ cần ra đến Nhổn là có ngay xe buýt để về tận nhà. Tôi không đi tàu điện vì phải đi 2 chặng. Chặng ngắn từ Nhổn đến ga Cầu Giấy rồi lại từ Cầu Giấy đợi xe buýt để về bến xe Giáp Bát. Hơn nữa, xe buýt có nhiều trạm dừng gần nhau, dễ dàng di chuyển hơn đi tàu điện”. 

W-giao thông.jpg

Về mật độ phương tiện giao thông dọc trục này không nhiều thay đổi. Cảnh ùn tắc, quá tải vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm. Hình ảnh lúc 17h tại đường Xuân Thuỷ, đoạn đi qua các trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội…

W-9 Metro Nhổn   Ga Hà Nội.jpg

Hơn 19h, dọc trục đường Cầu Diễn, Hồ Tùng Mậu, ô tô, xe máy vẫn nối đuôi nhau kín đường. 

W-11 Metro Nhổn   Ga Hà Nội.jpg

Tài xế xe buýt số 32, anh Đặng Hoài Nam kể, nếu trước đây, muốn di chuyển từ Cầu Giấy sang Nhổn, hành khách có thể chọn tuyến buýt số 20A, 32. Từ tháng 9/2024, tuyến buýt số 20A thay đổi lộ trình. Toàn bộ khách đi tuyến Nhổn - Cầu Giấy trước đây đổ dồn sang xe tuyến 32.

"Giờ cao điểm, xe chật kín không có khoảng trống chen chân. Lượng khách đông làm cho việc dừng đỗ, đón chờ khách tăng lên, thời gian di chuyển kéo dài. Nếu như từ ga Cầu Giấy tới Nhổn và ngược lại chỉ mất khoảng 30 phút thì giờ đây lên đến 50 phút, thậm chí 1 tiếng”, tài xế cho biết.