Khi “xe điện siêu rẻ” của Trung Quốc lăn bánh trên đất Mỹ, tờ SCMP gọi đây là tin xấu cho ngành sản xuất ôtô nội địa. Nhưng tin vui là những chiếc xe này chỉ có 3 bánh.

Luo Hao (phải) và người bạn bên cạnh chiếc ba gác do Trung Quốc sản xuất, bán ở Mỹ. Ảnh: Luo Hao.

Có phần đầu xe giống mô tô, có tay lái và phần đuôi lấy từ xe bán tải, xe ba gác nổi tiếng ở các quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, đặc biệt là ở khả năng di chuyển địa hình gồ ghề, cùng động cơ ồn ào, phun khói xăng đen kịt. Xe ba gác có vai trò như một “chú ngựa thồ” ở cả nông thôn và thành thị suốt nhiều thập kỷ.

Mặc dù có cùng tên gọi, phiên bản xe ba gác chạy hoàn toàn bằng điện lại mang lại cảm giác đi êm ái hơn. Đây là phương tiện lý tưởng khi cần vận chuyển hàng hóa khoảng cách gần, linh hoạt. Chúng được ở Mỹ với giá chỉ 600 USD chưa bao gồm phí vận chuyển.

Loại phương tiện chưa từng có ở Mỹ

Theo SCMP, loại phương tiện này vốn chưa từng xuất hiện ở Mỹ, nhưng đột nhiên đã trở thành cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nhân và công ty logistics Trung Quốc chỉ trong vài tháng qua. Các mẫu đầu tiên được gửi đến Mỹ thông qua các cảng container, đựng trong các thùng gỗ lớn.

Cơn sốt xe ba gác ở Mỹ bắt đầu từ những video của vlogger Bobo. Cô là người gốc Bắc Kinh và hiện sống cùng gia đình ở Dearborn, Michigan.

Cô đã tặng bố chồng người Mỹ một chiếc xe 3 bánh nhân dịp Giáng sinh. Nó nhanh chóng trở thành một hiện tượng ở khu vực này. Có thể mang tải trọng lên tới 700 kg, nhưng xe 3 bánh chỉ cần cắm vào ổ cắm điện áp 110 V tiêu chuẩn là đã có thể nhận sạc. Sau khi sạc đầy, nó có thể chạy xa tới 60 km.

Xe ba gac dien My anh 1

Bài đăng của Bobo trên Xiaohongshu kèm nội dung: “Bây giờ bố vợ đã cùng chúng tôi tham quan chợ mỗi sáng". Ảnh: SCMP.

Gia đình Bobo đã đăng ký giấy tờ xe cho chiếc ba gác như một một chiếc xe máy bình thường và thường xuyên lái nó trên đường. Ngay lập tức, nhiều người hàng xóm đã chụp ảnh và hỏi họ mua ở đâu.

Khi các video của Bobo lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc vào giữa tháng 1, Luo Hao (25 tuổi) đến từ tỉnh Quý Châu và đang sống ở thành phố New York, đã gọi điện cho một người bạn. Trong vòng một giờ, họ quyết định mở một công ty kinh doanh - mua xe ba gác điện từ Trung Quốc và bán ở Mỹ.

Sau khi họ đặt hàng với một nhà sản xuất Trung Quốc vào tháng 1, lô hàng đầu tiên gồm 20 chiếc xe điện đã vượt Thái Bình Dương và đến cảng Los Angeles vào ngày 1/3. Ngày hôm đó, doanh thu bán hàng của Luo đạt 10.000 USD. Anh đã bán hết kho hàng của mình trong vòng 3 tuần.

Tuy nhiên, với mỗi chiếc xe Luo bán ở Mỹ, chi phí vận chuyển hàng hóa có thể tăng gấp đôi hoặc gấp 3 giá gốc. Trên nền tảng thương mại điện tử AliExpress, một chiếc xe ba gác điện được giao từ Sơn Đông, Trung Quốc có giá 612,51 USD, nhưng phí vận chuyển đến Mỹ là 1.460 USD.

“Mọi thứ đều rất rẻ trước khi đến Mỹ. Khi gửi xe ba bánh đi, chúng tôi còn phải thuê một chiếc xe tải để giao cho người mua ở tiểu bang khác. Điều này càng khiến tổng chi phí tăng thêm vài trăm USD”, Luo nói.

Do chi phí cao, Luo cho biết lần khởi nghiệp này không lời bao nhiêu, nhưng tin tốt là cũng không lỗ. Sau khi anh chia sẻ trên mạng xã hội, dự án kinh doanh này cũng thu hút thêm nhiều người khác làm theo.

“Kẻ tiên phong mở cửa thị trường xe điện của Mỹ”

Topda Logistics là một trong những công ty vận tải đầu tiên tham gia vào thị trường kinh doanh chưa từng có này. Họ chủ yếu nhận các đơn đặt hàng cá nhân trực tiếp từ khách hàng nước ngoài.

Khách hàng thường đặt hàng trên nền tảng thương mại điện tử như Taobao. Sau đó, chiếc xe được gửi đến một nhà kho ở Trung Quốc. Topda chịu trách nhiệm vận chuyển chiếc xe đến điểm đến cuối cùng của khách hàng.

Xe ba gac dien My anh 2

Xe được bán trên AliExpress. Ảnh: SCMP.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khối lượng vận chuyển vẫn chỉ dừng ở mức tối thiểu so với các mảng kinh doanh khác của Topda, theo một quản lý tên Zou tại công ty. “Có vẻ như ý tưởng này chỉ lên xu hướng trên mạng xã hội Trung Quốc vì tất cả người mua đều là người Trung Quốc sống ở nước ngoài”, nhân viên nói. Ông nghi ngờ tính bền vững của hoạt động buôn bán này.

Zou cho biết tính đến nay, ông đã nhận được hơn 1.000 câu hỏi từ những người Trung Quốc xa xứ sống ở Mỹ, Canada và châu Âu, nhưng hầu hết đều không chọn mua sau khi biết giá. Công ty chỉ xuất xưởng tổng cộng khoảng 20 chiếc xe trong 3 tháng qua.

Phần lớn khách hàng đều lo ngại về việc liệu họ có thể đăng ký giấy tờ hợp pháp cho một chiếc xe như vậy ở quốc gia hoặc tiểu bang họ đang sống hay không. Chính Zou cũng không thể đảm bảo. “Ngay cả ở Mỹ, các quy định về cấp giấy phép phương tiện ở mỗi bang cũng khác nhau. Nếu bạn có thể lấy được biển số xe ở Los Angeles, chưa chắc bạn sẽ lấy được biển số ở New York”, ông nói.

Xe ba gac dien My anh 3

Luo và chiéc xe ba gác nhập khẩu của anh. Ảnh: NVCC.

Không chỉ vậy, chi phí vận chuyển các phương tiện bằng thùng gỗ vẫn còn quá cao mà lại còn bị cấm xuất khẩu với số lượng lớn. Zou cho rằng cần có một dòng vốn để có thể vận chuyển các bộ phận xe ba gác đến Mỹ sau đó lắp ráp chúng ở đó. Điều này sẽ giúp việc bán hàng ở Mỹ trở nên hiệu quả hơn về mặt chi phí.

Tuy nhiên, lô xe ba bánh nhập khẩu thứ hai của Luo đang trên đường đến Mỹ. Anh cũng đang xem xét việc kêu gọi đầu tư từ các cổ đông Mỹ. Đồng thời, Luo còn muốn chuyển khách hàng mục tiêu chính của mình từ Hoa kiều sang nông dân Mỹ, bằng cách ký hợp đồng với các cửa hàng máy móc nông nghiệp ở địa phương.

Mặc dù chi phí vận chuyển cao, Luo tin rằng loại phương tiện này vẫn hấp dẫn đối với người Mỹ. Bởi ngay cả khi bao gồm chi phí vận chuyển, giá thành xe ba gác vẫn rẻ hơn ít nhất 10 lần so với xe bán tải. “Giá thấp đến mức nhiều người cảm thấy vô lý. Nếu thành công, xe ba gác do Trung Quốc sản xuất sẽ trở thành kẻ tiên phong mở cửa thị trường xe điện của Mỹ”, Luo nói với SCMP.

Theo Znews

Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!