Một công trình lớn, quan trọng như vậy cần phải được tính toán kỹ, đừng vì say sưa bất động sản mà bỏ quên mục đích khác.
TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thẳng thắn nói về chủ trương xây tháp truyền hình cao nhất thế giới của VTV.
Theo đó vị chuyên gia chỉ rõ 3 vấn đề. Một là mục đích, quy hoạch; thứ hai là hiệu quả và thứ ba là cơ chế xây dựng.
Tháp truyền hình Tam Đảo được cho là lãng phí, không hiệu quả
|
Thứ nhất, về mục đích và quy hoạch. Ông Liêm cho biết, có thể hiểu và chia sẻ được với nhà đầu tư về quyết định thay đổi mục đích xây dựng dự án. Từ việc vẽ lên một biểu tượng cho sự năng động, phát triển của đất nước, là điểm nhấn trong quy hoạch phát triển của Thủ đô Hà Nội, mang lại nguồn lợi nhuận từ các dịch vụ thương mại, du lịch và các dịch vụ khác, đồng thời phục vụ cho nhiệm vụ truyền dẫn phát thanh, truyền hình, viễn thông, khí tượng thủy văn, an ninh quốc phòng… rồi chuyển ngay sang kinh doanh bất động sản, động cơ ở đây có thể hiểu là vì lợi nhuận.
Đứng trên cương vị của một nhà đầu tư, việc tính toán, kết hợp nhiều mục đích, nhiều tính năng, nhiều công dụng nhằm thu hút, kinh doanh là có thể chấp nhận được.
Ông dẫn ví dụ rất điển hình, đó là tòa tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông (Thượng Hải, Trung Quốc). Đây là vi dụ điển hình cho sự kết hợp thành công giữa một công trình quốc gia với việc kinh doanh, phát triển dịch vụ, du lịch.
Thành công lớn nhất phải kể đến là tác động lan tỏa của công trình, thúc đẩy sự phát triển các dự án cạnh Sông Hoàng Phố. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thị trường BĐS cũng nhờ đó mà phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nhìn vào dự án vị chuyên gia không khỏi băn khoăn, ông tự đặt câu hỏi: "Việc xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới này VTV đã tính toán như thế nào? Dự án sẽ thúc đẩy phát triển cái gì và nó đem lại lợi ích cho ai?"
Ông lý giải rằng, đầu tư phải có lợi nhưng cái lợi phải được xem xét, tính toán dựa trên mối quan hệ tổng thể. Ở đây cụ thể là lợi cho cả nền kinh tế, lợi cho xã hội, cho người dân chứ không phải chỉ lợi cho một nhóm người.
Vì thế, vị chuyên gia tiếp tục muốn được VTV làm rõ: "Đầu tư nhưng tiền chỉ chui vào túi nhà đầu tư mà không có tác động lan tỏa tới kinh tế, xã hội thì mục đích đầu tư thật sự là gì?
Hơn nữa, đã có một số dự án, khi xin chủ trương thì hay ho, tốt đẹp, nhìn vào dự án tưởng như cả cộng đồng, cả xã hội sẽ có lợi nhưng cuối cùng người đắc lợi chỉ là giới đầu tư, kinh doanh BĐS. Nghĩa là, chúng ta đã bày cỗ cho thiên hạ hưởng, nhà nước và người dân không được gì?", ông Liêm đặt câu hỏi.
"Bản thân tôi cũng không phản đối, nếu VN lại tiếp tục có một cái gì đó cao nhất, to nhất, hiện đại nhất thế giới. Có được cái đó mà có thể làm VN nổi tiếng hơn thì cũng tốt. Vấn đề tôi luôn nhấn mạnh là phải tính tới yếu tố hiệu quả và mục đích. Lợi ích này không hoàn toàn phải hướng vào ngân sách, nhưng lợi đó cũng không chỉ rơi vào túi nhà đầu tư. Lợi đó phải là lợi chung, lợi của toàn xã hội", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai, ông Liêm đề cập là hiệu quả của dự án. Lấy lại dự án tháp truyền hình trên đỉnh núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) ông Liêm tỏ rõ tiếc nuối: "Tôi chỉ lấy một ví dụ về tháp truyền hình trên đỉnh núi Tam Đảo. Tháp này đã được xây rất mất công, trong bối cảnh ngân sách vô cùng khó khăn nhưng vẫn kì cạch mang từng khối vật liệu lên tận đỉnh núi để xây dựng. Nhưng tới nay lại bỏ không. Tôi cũng chưa thấy một ai đánh giá về hiệu quả của dự án này thế nào? Tôi nghe nói, dự án bị bỏ do bị sét đánh ghê quá.
Như vậy là vừa tiếc, vừa tốn tiền, tốn công sức. Rõ ràng ở đây là trách nhiệm của người xây dựng và công tác đánh giá hiệu quả của dự án chưa tốt.
Vậy với trường hợp này, VTV đã đánh giá, tính toán thế nào? Khi một công trình càng cao thì khả năng hút sét càng lớn, VTV đã tính tới chưa, làm sao tránh tình trạng lặp lại như tháp truyền hình Tam Đảo?", vị chuyên gia tiếp tục nêu vấn đề.
Một công trình lớn, quan trọng như vậy cần phải được tính toán kỹ, đừng vì say sưa bất động sản mà bỏ quên mục đích khác.
Sở dĩ đặt câu hỏi như vậy, vì ông Liêm cho biết, không muốn VTV tiếp tục lặp lại bài học lãng phí trước đó "tiền mất, tật vẫn mang".
Quan trọng hơn, đây là dự án rất lớn, rất quan trọng lại nằm trong thủ đô do đó mức độ ảnh hưởng của nó lớn hơn rất nhiều.
"Tôi tin VTV họ cũng đã có sự tính toán, tuy nhiên tôi vẫn lưu ý đây là công trình rất lớn, nó nằm trong thủ đô vì vậy cần phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, chứ đừng say sưa vì một lợi ích nào đó mà bỏ quên hoặc cố tình quên những vấn đề khác. Cũng đừng vì ham cái tháp cao nhất hay chỉ nghĩ về lợi ích BĐS mà xem nhẹ vấn đề", ông Liêm nhắc nhở.
Để nhấn mạnh cho tầm quan trọng của công tác khảo sát, thẩm định, đánh giá một công trình "không bình thường" như tháp truyền hình, TS Phạm Sỹ Liêm kể lại câu chuyện khi ông còn là nghiên cứu sinh ở Nga. Theo ông, thầy giáo của ông chính là người được giao cho thực hiện công tác thẩm định dự án Tháp Ostankino, là một tháp radio và vô tuyến truyền hình được mệnh danh là vẻ đẹp của thành phố Moskva của Liên bang Nga. Khi đó, công tác thẩm định được thực hiện với những nguyên tắc vô cùng nghiêm ngặt bao gồm từ thiết kế, chiều cao, vật liệu, cho tới tác động, hiệu quả của dự án...
"Nói vậy, để thấy rằng, nếu một công trình "không bình thường" nào cũng dễ dàng thì ai cũng muốn làm và ai cũng làm rồi. Do đó, vấn đề không phải là có xây được tháp truyền hình hay không mà cần phải xây dựng nó thế nào để một dự án lớn sẽ mang theo nhiều kỳ vọng và sự được ghi nhận chứ không phải trở thành nỗi nhục khi chứng kiến nó thất bại", vị chuyên gia chua chát.
Vấn đề thứ ba ông đề cập là cơ chế xây dựng. Khẳng định ngay, ông không quan tâm tới cơ chế xã hội hóa hay cơ chế xin - cho, nhưng rõ ràng đã là đầu tư thì cần phải có ưu đãi, có ưu đãi mới giúp nhà đầu tư hào hứng tham gia.
Tuy nhiên, theo ông Liêm việc xin là một nhẽ, còn cho thế nào. Cho có dựa trên lợi ích chung hay cho chỉ vì lợi ích của một nhóm người, một vài cá nhân để quyết định lại là vấn đề cần phải bàn.
Tóm lại, xét cả về quy hoạch và kỹ thuật, ông Liêm cho rằng, đây là một dự án, một công trình lớn, rất quan trọng cần phải được lấy ý kiến, tham khảo rộng rãi.
Nhắc lại bài học từ việc xây dựng tháp truyền hình trên đỉnh núi Tam Đảo - Vĩnh Phúc, vị chuyên gia cho biết khi đó ngành truyền hình đã rất tự tin xây dựng với ý nghĩ tháp càng cao, khả năng phủ sóng càng rộng.
"Đáng tiếc, dự án mới chỉ được tính toán dựa trên một mục đích và một tính năng mà không tính toán hết các yếu tố tác động khác. Cuối cùng, dự án bỏ hoang, nhà đầu tư nhận lấy thất bại ê hề", ông Liêm nhắc lại.
TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, kết quả đó là do VTV đã quá vội vàng, không chịu tham khảo, hỏi ý kiến các chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan. Vì vậy, ông Liêm đặc biệt nhấn mạnh với dự án tháp truyền hình tới đây, VTV cần phải tham khảo thêm nhiều ý kiến, từ nhiều lĩnh vực khác nhau để lấy kinh nghiệm.
Theo Báo Đất Việt