Thời gian qua, việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Sản xuất tại một số vùng có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đã có doanh nghiệp và người dân địa phương khai thác tốt lợi thế sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như bánh tam giác mạch Hà Giang, mận Bắc Hà (Lào Cai), miến dong Na Rì (Bắc Kạn), bún đỏ Đắk Lắk, cà phê chồn Gia Lai, trà Shanam Tà Xùa (Sơn La)...
Nhiều đặc sản đã được đưa vào hệ thống phân phối có uy tín và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sa Pa, rượu sim Phú Quốc...
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, những sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều lợi thế, tiềm năng để thương mại hóa. Hàng hóa không chỉ đậm đà bản sắc dân tộc mà còn đáp ứng được xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững mà thế giới đang hết sức quan tâm. Sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những viên ngọc quý thô đang cần được mài giũa để giới thiệu với người tiêu dùng.
Sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều lợi thế để thương mại hóa, nhưng thực tế cho thấy, việc kết nối, phát triển thị trường cho các sản phẩm này vẫn còn nhiều hạn chế. Rào cản ngôn ngữ là vấn đề lớn nhất trong việc đưa bà con tiếp cận với những kiến thức thương mại.
Nhu cầu của thị trường hiện nay đối với các sản phẩm đặc sản vùng, miền và sản phẩm nông sản an toàn rất cao. Các kênh bán lẻ đang dành ưu tiên cho việc tiêu thụ các mặt hàng này, song khó khăn hiện nay là vấn đề sản lượng và chất lượng. Các nhà sản xuất khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vì vậy lượng hàng cung ứng thường bị đứt gãy hoặc gián đoạn. Cùng với đó là vấn đề vận chuyển còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng và gây hao hụt lớn đối với hàng hóa, nhất là mặt hàng rau lá, hoa quả...
Để sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp, ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp. Theo đó, cần có giải pháp đồng bộ về mặt tổ chức, công nghệ và nhân lực nhằm thu hút bà con chung tay xây dựng các vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, phối hợp nâng cao năng lực sản xuất để cân đối cung - cầu; quan tâm đầu tư hỗ trợ công tác logistics, kho bãi...
Được biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh nhóm giải pháp tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra tại các tỉnh, thành phố có những hoạt động về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nhóm nhiệm vụ xây dựng, đầu tư mới và cải tạo mạng lưới chợ của đồng bào...
Khánh Vy