Nhiệm vụ trọng điểm
Tỉnh Hòa Bình là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng; là cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là tỉnh đất rộng, người thưa với diện tích tự nhiên gần 4,6 nghìn km2 (đứng thứ 33/63 địa phương trên cả nước), dân số trên 900 nghìn người (đứng thứ 50/63 tỉnh thành) với 07 dân tộc anh em. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 3/4 dân số (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, chiếm trên 63%).
Bên cạnh đó, Hòa Bình còn có nền văn hóa dân tộc đặc sắc với 786 di sản văn hóa phi vật thể; hơn 18 nghìn hiện vật có giá trị của nền Văn hóa Hòa Bình; tiêu biểu nhất là văn hóa Mường với các di sản nổi tiếng như: Mo Mường, Sử thi Đẻ đất Đẻ nước... Văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, nhiều sản vật địa phương nổi tiếng như cơm lam Hòa Bình, lợn mán, cá sông Đà, rượu cần Mường, cam Cao Phong, quýt Ôn Châu, mía tím...
Con người Hòa Bình giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách với khát vọng vươn lên mạnh mẽ làm giàu cho quê hương, đất nước.
Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển văn hóa, con người Hòa Bình đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Qua đó, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hòa Bình đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu thế hội nhập quốc tế được UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng điểm, cần tập trung chỉ đạo thực hiện.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa. Tập huấn nâng cao nghiệp vụ; tạo điều kiện cho cán bộ học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ các chuyên ngành.
Tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục về nhân cách - thẩm mỹ - tri thức nhằm xây dựng con người hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh chống âm mưu "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo quản lý tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đảm bảo trang trọng, đúng quy định, đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và tín ngưỡng với những nội dung đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân đến tham quan, chiêm bái. Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội được các cấp tích cực thực hiện tốt.
Quảng bá giá trị văn hóa – du lịch
Xác định tầm quan trọng của văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hòa Bình đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu thế hội nhập quốc tế. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đã, đang được tỉnh quan tâm chỉ đạo là đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa tốt đẹp, con người Hòa Bình.
Những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa - du lịch, giới thiệu hình ảnh, vùng đất, con người Hòa Bình đến với các tỉnh bạn và ra nước ngoài. Tổ chức các hoạt động, sự kiện quan trọng như: Ngày hội văn hóa các dân tộc, Tuần văn hóa - du lịch tỉnh, các lễ hội văn hóa - thể thao - du lịch; hoạt động SEA Games; các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, di sản văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, các môn thể thao dân tộc; kết hợp với hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch, văn hóa, nghệ thuật, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh...
Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá giới thiệu văn hóa, con người Hòa Bình đến với bạn bè quốc tế trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại tỉnh.
Từ đó khẳng định những giá trị văn hóa tốt đẹp, các tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi của tỉnh thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực du lịch, văn hóa xã hội. Thông qua các hoạt động được triển khai, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người, những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, nâng cao uy tín, vị thế của Hòa Bình với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí công nhận "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa", "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đi vào chiều sâu.
Chú trọng nhân rộng gia đình văn hóa, xóm, bản, khu dân cư văn hóa. Toàn tỉnh có gần 90% hộ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, trên 90% khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa, trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa…
Đặc biệt, tỉnh quan tâm lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa về ngôn ngữ, chữ viết, trang phục truyền thống và tri thức dân gian của các dân tộc, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. Nhiều giá trị vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát triển.
Tỉnh đang xây dựng bộ hồ sơ quốc gia di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp. Nhiều sự kiện văn hóa thể thao, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư được tổ chức đem lại hình ảnh mới về Hòa Bình giàu bản sắc, lan tỏa, hội nhập, xây dựng con người hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ.
Để công tác xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hòa Bình bền vững có hiệu quả, thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá về quê hương, con người Hòa Bình; các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử đất và con người xứ Mường; những thành tựu đạt được của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt.
Xây dựng hình ảnh tỉnh Hoà Bình là nơi đáng đến, có môi trường sống an toàn, thân thiện, con người mến khách; những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các cơ hội hợp tác đầu tư, văn hóa, con người Hòa Bình; những cách làm mới mang tính sáng tạo, đột phá của tỉnh; tiềm năng, truyền thống văn hóa, du lịch, những sản phẩm đặc trưng...
UBND tỉnh yêu cầu thông tin, tuyên truyền bám sát yêu cầu, quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh; đưa tin chuẩn xác, kịp thời, đảm bảo tính khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật. Chủ động định hướng những vấn đề được dư luận quan tâm, nhất là những vấn đề quan trọng, nhạy cảm của địa phương. Phản biện kịp thời thông tin không chính xác ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh tỉnh Hoà Bình.
Truyền thông, quảng bá phải tạo ấn tượng đậm nét hơn về tỉnh, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch, thu hút các nguồn lực đầu tư cho tỉnh, nhất là đầu tư nước ngoài, tạo được bước phát triển đột phá trong các ngành mũi nhọn của tỉnh.
Thực hiện hợp tác truyền thông hình ảnh tỉnh Hòa Bình trên các ấn phẩm báo chí và kênh truyền hình của các cơ quan thông tấn, báo chí; chú trọng tuyên truyền trên Facebook, Youtube, Zalo... Thông qua đó tuyên truyền những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Hòa Bình chủ động hợp tác hội nhập và phát triển bền vững.