Việt Nam là một trong những thành viên tích cực tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu về giải quyết ô nhiễm nhựa, đặc biệt là thông qua Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa (NPAP). Bắt đầu triển khai từ cuối năm 2021, đến nay, Chương trình NPAP đã có nhiều hoạt động hiệu quả, đặc biệt trong việc thu hút sự tham gia của các bên liên quan và thúc đẩy nhiều cuộc đối thoại, xúc tác các cơ hội hợp tác và nhân rộng giải pháp giảm ô nhiễm nhựa.

Đặc biệt, bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ TN&MT và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) do Bộ trưởng Bộ TN&MT và Giám đốc điều hành WEF cùng ký kết ngày 1/12/2023, trong khuôn khổ Hội nghị COP28. Đây là động lực lớn hỗ trợ thực hiện Chương trình NPAP và thúc đẩy các sáng kiến có ý nghĩa nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, trong bối cảnh Việt Nam đang dần chuyển sang giai đoạn “tự vững”.

W-racthai.png
Việt Nam là một trong những thành viên tích cực tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu về giải quyết ô nhiễm nhựa, đặc biệt là thông qua Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa (NPAP).

Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT Lê Ngọc Tuấn, mục tiêu của Chương trình NPAP Việt Nam năm 2024 là tiếp tục tập trung hỗ trợ việc xây dựng và triển khai thực hiện tuần hoàn về nhựa bền vững và bao trùm hơn.

Cụ thể, Chương trình sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng lộ trình huy động tài chính và đầu tư để giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam, bao gồm: xác định những khoảng thiếu hụt trong đầu tư hiện tại, các lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, các nguồn vốn đầu tư phù hợp; phân tích, đánh giá và nhân rộng các cơ chế tài chính dành cho các hoạt động, sáng kiến giảm rác thải và ô nhiễm nhựa đã thành công. Kết quả của báo cáo lộ trình huy động tài chính sẽ góp phần đảm bảo huy động nguồn lực phục vụ nghiên cứu và đề xuất định hướng, giải pháp, sáng kiến giảm ô nhiễm nhựa một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Chương trình cũng điều phối và cùng phối hợp với các tổ chức, đơn vị có các hoạt động, chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi sử dụng nhựa quá mức và sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy; thúc đẩy phổ biến thực hành tốt và sáng kiến trong giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa.

Các hội nghị, hội thảo tham vấn, đối thoại chính sách, thúc đẩy đầu tư hỗ trợ triển khai dự án cũng sẽ tiếp tục được tổ chức, nhằm đẩy mạnh các hoạt động trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tận dụng tri thức và hiểu biết của các chuyên gia trong mạng lưới. Trong đó, phân loại rác tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải cũng như đảm bảo việc thực hiện EPR là các chủ đề quan trọng sẽ được đưa ra thảo luận và lồng ghép các nội dung liên quan.

Bên cạnh đó, NPAP cũng tập trung vào hỗ trợ đàm phán thực hiện thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa và chuẩn bị sẵn sàng nội luật hóa các quy định khi thỏa thuận này được thông qua vào cuối năm 2024.

Để triển khai hiệu quả các hoạt động nêu trên, Bộ TN&MT sẽ tiến hành kiện toàn lại Nhóm công tác thực hiện Chương trình NPAP với sự tham gia của các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và nhà đầu tư quốc tế, các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội.