Trường học nào cũng có thư viện nhưng tỷ lệ học sinh đến đọc, mượn sách chưa cao. Thư viện trường tôi đã đạt chuẩn và được tài trợ xây dựng thư viện thông minh, tình hình cũng vậy. Không mấy em đến sử dụng máy tính để truy cập thông tin vì đã có điện thoại thông minh, chỉ dừng lại ở việc vào mạng xã hội mà thôi. Sách ở thư viện chưa đáp ứng yêu cầu của các em, sách tham khảo phục vụ bài giảng trên lớp cũng chưa nhiều.
Qua tìm hiểu, tôi được biết đa phần các em chỉ đọc truyện tranh. Các truyện dành cho thiếu nhi chưa có nhiều đầu sách hay. Thầy cô dạy Ngữ văn luôn than phiền về kỹ năng viết văn của học sinh. Các cuộc thi viết thư UPU, viết về thầy cô, mái trường chưa được đông đảo học sinh tham gia. Lớp tôi chủ nhiệm, thuyết phục mãi các em mới chịu đến thư viện mượn sách.
Với tinh thần làm thay đổi nhận thức về việc đọc sách, cô Tổng phụ trách Đội đã hợp tác cùng thầy cô phát động trong toàn trường phong trào tặng sách để dùng chung, gọi là Tủ sách Kim Đồng.
Theo đó, học sinh có thể tặng sách không phân biệt thể loại. Thầy cô sẽ sắp xếp lại theo nội dung, các em có thể đến mượn đọc bên cạnh sách của thư viện. Tinh thần là chỉ cần đóng góp một quyển có thể đọc được nhiều quyển, ai cũng hăng hái tham gia. Nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi được phổ biến để các em đến mượn. Số học sinh đọc sách tăng lên, thầy cô tổ chức các buổi giới thiệu sách nhiều hơn. Các đợt bình chọn sách hay trong năm cũng được đông đảo học sinh tham gia.
Trong tuần, các lớp dành thời gian giới thiệu sách hay cho nhau. Lớp tôi chủ nhiệm chia 4 tổ. Mỗi tổ được giao đọc một cuốn. Sau khi cả tổ đọc xong, giờ sinh hoạt cuối tuần từng em lần lượt thay nhau trình bày nội dung và những điểm thú vị theo cảm nhận cho cả lớp. Các bạn nghe, nêu ý kiến cá nhân, đặt câu hỏi hay đề xuất thay đổi tình tiết… Dần dần, học sinh lớp tôi thay đổi rất nhiều trong việc đọc sách và cả học Văn.
Song song với việc nhận đóng góp sách đa dạng, trường tôi phổ biến việc xây dựng Tủ sách Bác Hồ. Tủ sách này tập hợp không chỉ sách báo, tạp chí viết về Bác mà còn có cả tranh ảnh về đời hoạt động của Bác, góp phần đưa cuộc vận động Học tập theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh đến với các em. Sau một thời gian ngắn, hàng trăm quyển với chủ đề về Bác đã được đóng góp, nhiều quyển có giá trị. Thầy cô cũng có cơ hội sử dụng làm tài liệu soạn giảng.
Tiếp theo, nhà trường tổ chức hoạt động Kể chuyện Bác Hồ trong học sinh vào ngày thứ hai đầu tuần. Theo đó, các em tìm đọc những mẫu chuyện về Bác trong tủ sách mới xây dựng. Quan trọng là tất cả đều được biết câu chuyện lớp mình sẽ dự thi. Khi chưa đến lượt, các em có thể nghe câu chuyện về Bác của học sinh lớp bạn trình bày. Bên cạnh phần nội dung là kỹ năng nói diễn cảm. Các lớp còn tổ chức viết câu chuyện về Bác để hỗ trợ học Văn, Giáo dục công dân và dự thi nhiều cấp ở địa phương.
Giáo viên phụ trách thư viện thường xuyên giới thiệu nội dung sách đến với học sinh. Những đoạn văn hay, những nhân vật chính, những tình tiết đặc sắc khiến học sinh hào hứng muốn tìm hiểu ngay, nên giờ điểm sách được chờ đợi. Thầy cô luôn đề nghị học trò đọc trước các tác phẩm trong chương trình để nâng cao chất lượng dạy và học. Sau khi học xong tác phẩm, các em sẽ viết cảm nhận của mình.
Với cách xây dựng làm phong phú số lượng cũng như chất lượng sách ở trường, sự thay đổi trong cách giảng dạy, chất lượng học tập của các em cũng tăng lên. Nhiều năm liên tục, học sinh trường tôi đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, các cuộc thi viết khác.
Tôi và một số thầy cô khác dần thay đổi trong việc khen thưởng học sinh. Trước đây, phần thưởng là tiền, nhưng về sau có sách văn học kèm theo. Cho đến giờ, việc phát triển Tủ sách Kim Đồng, Tủ sách Bác Hồ, đọc sách văn học vẫn được duy trì ở trường tôi, góp phần xây dựng thành công văn hóa đọc.
Độc giả có thể gửi ý kiến xoay quanh chủ đề "Làm thế nào để con thích đọc sách?" về địa chỉ: [email protected]. Xin trân trọng cảm ơn!