Theo Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ, cây chè có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ. Việc đẩy mạnh đầu tư và phát triển cây chè là chủ trương của tỉnh đối với loại cây trồng trọng điểm có giá trị kinh tế cao cho xuất khẩu và thu nhập ổn định cho người dân.
Ngành chè Phú Thọ có nhiều điểm sáng với sự hình thành và phát triển của 70 vùng sản xuất chè tập trung với diện tích 5,8 nghìn ha tại các huyện thị: Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Ba, Hạ Hoà, Đoan Hùng, Phù Ninh, Tx. Phú Thọ.. Sản lượng chế biến trên 1 tấn chè búp tươi/1 ngày của 60 cơ sở, trong đó gần một nửa doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACC; có 15 HTX, 18 làng nghề, 785 cơ sở chế biến chè thủ công hộ gia đình. Sản lượng chè đen chiếm phần lớn khoảng 70% trong tổng sản lượng chế biến chè (48.000 tấn/1 năm).
Chè Phú Thọ cung cấp chủ yếu ra các thị trường Trung Đông, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Indonesia, Anh, Nga…
Thực hiện tái cơ cấu ngành chè, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh tiến hành rà soát, sắp xếp cơ sở chế biến và tổ chức sản suất. Đã có nhiều chính sách của tỉnh hỗ trợ cho sản xuất và chế biến để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè Phú Thọ: hỗ trợ 15 doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ sao, sấy, phân loại trong chế biến chè xanh và chè đen đồng bộ, hiện đại; 14 HTX, 18 làng nghề, 01 trang trại sản xuất, chế biến chè và 897 cơ sở chế biến thủ công nhỏ lẻ.
Ngoài ra, một số nhà máy chế biến đã liên kết sản xuất với các HTX, nhóm hộ trồng chè bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, kiểm soát được chất lượng chè thành phẩm. Nhiều doanh nghiệp, làng nghề, HTX sản xuất, chế biến chè xanh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, ngoài việc quy hoạch các vùng chè an toàn, tỉnh đã xây dựng các mô hình sản xuất chè theo Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp” (QSEAP) tập trung chủ yếu ở các huyện trọng điểm. Đây là cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao. Trong đó, chú trọng xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất trừ sâu; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm cuối cùng và tiến tới sản xuất chè hữu cơ.
Hoạt động quản lý sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm phục vụ công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kết nối giao thương được ứng dụng chuyển đổi số... Nâng cao năng lực cơ giới hóa ở tất cả các khâu trong chuỗi giá trị; tiếp tục chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới (giống, biện pháp canh tác, phân bón, công nghệ tưới…) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè nguyên liệu.
Tỉnh cũng chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP thông qua hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu có tiềm năng phát triển trở thành sản phẩm OCOP.
Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, để xây dựng thương hiệu “Chè Phú Thọ” các địa phương cần tiếp tục tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời sắp xếp các cơ sở chế biến, đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, hướng dẫn nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị thông qua ký kết hợp đồng, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, xây dựng các kênh tiêu thụ và tổ chức quảng bá xúc tiến thương mại. Song song với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm chè.
Tại Hội nghị kết nối giao thương tại Phú Thọ giữa nhà cung cấp chè khu vực Đông Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại ngày 24/4 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải cho hay, khu vực Đông Bắc là khu vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè lớn nhất cả nước. Các tiềm năng để phát triển thương mại, xuất khẩu các sản phẩm chè trong khu vực vùng Đông Bắc nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng là rất lớn. Ngành chè đã đem lại giá trị kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế các địa phương.
Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại ngành chè, tỉnh Phú Thọ đề nghị Sở Công Thương các tỉnh khu vực Đông Bắc tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối, liên kết với các Sở Công Thương trong khu vực, các Đại sứ, Tham tán, Thương vụ của Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu và gia tăng giá trị hàng hóa.
Nhóm PV